Người lao động có thể tố giác hành vi trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay không?
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:10, 16/09/2019
Tổ chức công đoàn nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.
Đây là nội dung được quy định trong Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15.8.2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), điều 215 về tội gian lận BHYT, điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2019.
Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng xác định các tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.
Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, với quy định này người lao động ngoài việc uỷ quyền cho tổ chức công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình thì có thể trực tiếp thực hiện công việc này.
PV (tổng hợp)