Vì sao các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc đến Việt Nam hoạt động?
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 09:43, 18/09/2019
Tình trạng này đặt ra vấn đề phải làm sao để siết chặt quản lý, hạn chế tội phạm nước ngoài lợi dụng Việt Nam thực hiện các hành vi phạm pháp.
Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với đơn vị liên quan của Bộ Công an bàn giao 28 đối tượng Công an phía Trung Quốc để xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh công an cung cấp
Không để “khoảng trống” cho tội phạm lợi dụng
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nhìn nhận môi trường ổn định của Việt Nam chính là một trong những yếu tố mà các đối tượng tội phạm lợi dụng.
Nhưng theo ông, thực chất không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có các băng nhóm hoạt động.
“Đây là quy luật, xu thế của các nước đang phát triển. Nếu chúng ta nói quá sẽ làm dư luận hoang mang, cho rằng mình không nắm được tình hình để đất nước bị lộng hành thì không đúng. Ngược lại, ta cũng không được chủ quan”, tướng Võ Trọng Việt nói.
Theo ông, đất nước ta có điều kiện thuận lợi cả về mặt tốt và mặt chưa tốt để các đối tượng lợi dụng hoạt động.
Thời gian qua, nhiều băng nhóm nước ngoài vào hoạt động bị phát hiện, nhưng theo ông Việt, các băng nhóm, tổ chức này hoạt động chưa lâu, để lại hệ lụy, hậu quả chưa lớn. Ngay khi các tổ chức tội phạm triển khai, chúng ta đã kịp thời ngăn chặn ngay, như vụ đánh bạc ở Hải Phòng, vụ ma túy ở Kon Tum…
Ông Việt lưu ý muốn tăng cường quản lý phải khảo sát, điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý từ ban đầu, không để xảy ra việc thành lập tổ chức tội phạm hoạt động lan tỏa trên đất nước ta.
Bên cạnh đó, công tác quản lý xuất, nhập cảnh phải siết chặt, đặc biệt là các cơ quan có chức trách ở cửa xuất - nhập cảnh, ở các bến cảng, cửa khẩu, sân bay phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
“Đất nước ta có chính sách mở cửa, chính sách này có cái tốt nhưng cũng có chỗ hạn chế, và bị các đối tượng lợi dụng”, tướng Việt nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông đánh giá thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm người nước ngoài rất tinh vi. Họ vào Việt Nam một cách công khai, có hộ chiếu, nhưng khi vào rồi thì bắt đầu cấu kết, lợi dụng với các đối tượng tại chỗ để hình thành các băng nhóm, hoạt động rất khó phát hiện. Một phần khác, do công tác quản lý chưa được chặt chẽ nên bị lợi dụng.
Tướng Võ Trọng Việt cảnh báo với các nhóm tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, nếu không kịp thời phát hiện và đấu tranh nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến cả yếu tố quốc phòng, an ninh.
“Một khi đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dần dần sẽ lợi dụng hoạt động quốc phòng, an ninh. Không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn”, ông Việt cảnh báo.
Theo ông, các cơ quan chức năng phải thắt chặt các thủ tục, quy trình, cần tăng cường giao ban, phối hợp trao đổi thông tin giữa các địa bàn để kịp thời nắm tình hình, không để địa bàn nào bị bỏ trống. Bởi thông thường, địa phận giáp ranh ở các tỉnh bị bỏ trống, rất dễ bị tội phạm lợi dụng để hoạt động.
Quản lý cư trú còn sơ hở, thiếu sót
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng cần đánh giá mối quan hệ giữa tạo điều kiện để thu hút đầu tư với công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
“Hiện nay chúng ta giải quyết chưa đồng bộ, có xu hướng là đặt nặng vấn đề về thu hút đầu tư. Chính vì thế, Bộ Chính trị mới có nghị quyết yêu cầu trong thu hút đầu tư nước ngoài phải có đánh giá”, ông Hồng nói.
Liên quan tới những sơ hở để tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết Ủy ban Quốc phòng An ninh khi thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã đề nghị Chính phủ có nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan tới quản lý cư trú nhằm quản lý chặt chẽ, tránh để người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội.
Nhưng quan trọng hơn, ông Hồng cho rằng chính là các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an.
Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận tình trạng tội phạm là người nước ngoài, lợi dụng Việt Nam để hoạt động có chiều hướng gia tăng. Việc này một phần do công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nên ngoài các đối tác vào làm ăn cũng có đối tượng vào lợi dụng địa bàn để hoạt động tội phạm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng phải tìm ra nguyên nhân của vấn đề để từ đó hoàn thiện biện pháp quản lý người nước ngoài, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý xuất nhập cảnh. “Chúng ta đang trong quá trình hội nhập thì đây là nguy cơ cần sớm có giải pháp”, ông Chiến nói.
Triệt phá hàng loạt băng nhóm người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam
Ngày 17.9, cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng cho biết đang phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn để làm rõ và xử lý 34 người Trung Quốc có hành vi thuê trọn khách sạn để thực hiện các hoạt động trái phép qua Internet.
Trước đó, khi lực lượng chức năng ập vào khống chế 34 người này đã tạm giữ nhiều laptop, điện thoại di động mà nhóm này sử dụng để kết nối với các trang web ở Trung Quốc.
Cảnh sát nghi vấn nhóm người này đến Việt Nam và thực hiện các hành vi ủy thác đầu tư hoặc thao túng chứng khoán bị cấm ở Trung Quốc.
Cùng ngày, tại TP.HCM, Công an quận 2 đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu.
Cảnh sát đã chuyển hồ sơ cùng 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) cho Công an TP.HCM để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Chiều 14.9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ công An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhóm người Trung Quốc nằm trong đường dây sản xuất ma túy "khủng" ở tỉnh Kon Tum và Bình Định bị triệt phá trước đó.
Tổng tang vật thu giữ trong 3 kho hàng bị cảnh sát triệt phá gồm khoảng 30 tấn tiền chất, hóa chất dùng để phục vụ cho sản xuất ma túy, hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp cùng nhiều máy móc, dụng cụ dùng để sản xuất ma tuý. Công an đã bắt giữ hàng chục đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc ở 3 kho hàng.
Cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã bàn giao 28 đối tượng cho Cục Công an TP Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại TP Móng Cái, Quảng Ninh.
Trước đó, tại một nhà nghỉ trên địa bàn TP Móng Cái, lực lượng chức năng đã phát hiện 28 người Trung Quốc đang có hành vi "chơi" chứng khoán trái phép trên mạng Internet.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 516 chiếc điện thoại di động các loại; 21 bộ máy tính còn hoạt động, chứa dữ liệu chữ Trung Quốc; 1 thiết bị quẹt thẻ để thanh toán qua mạng.
Các đối tượng khai sử dụng số thiết bị này để lôi kéo người Trung Quốc tham gia chơi chứng khoán tại các sàn giao dịch giả nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhằm tránh sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, các đối tượng đã sang TP Móng Cái để hoạt động lừa đảo đối với người Trung Quốc.
Cuối tháng 7, hàng trăm cảnh sát ập vào khu đô thị Our City ở đường Phạm Văn Đồng, TP Hải Phòng, phát hiện 380 người Trung Quốc đang vận hành đường dây đánh bạc qua mạng.
Ban chuyên án đã thu giữ gần 2.000 điện thoại di động, hơn 500 máy tính các loại cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan. Công an bước đầu xác định số tiền giao dịch trên hệ thống đánh bạc này là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng).
Trong số gần 400 người bị công an tạm giữ chỉ có chưa đến 30 người đăng ký lưu trú. Lợi dụng vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư, nhóm này chia thành các ca nhỏ để vận hành website đánh bạc 24/7, hoạt động khép kín, không tiếp xúc với người ngoài.
Theo Zing