Không thể biện minh cho cái ác
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:04, 19/09/2019
Vụ anh trai truy sát cả nhà em trai làm 4 người chết, 1 người bị thương ở Hà Nội còn đang nóng thì đã xảy ra vụ anh trai dùng dao đâm chết em gái và 2 người khác bị thương ở Thái Nguyên, em trai đâm chết anh trong ngày cúng 49 bố ở Thái Bình.
Trong các vụ án này, hung thủ đều ra tay ngang nhiên và tàn ác, bằng chứng hết sức rõ ràng và hậu quả đều thảm khốc.
Nguyên nhân là do những mâu thuẫn trong gia đình liên quan tới đất đai, tiền bạc và có cả lý do nhỏ nhặt như tranh cãi về việc có mang cái điếu cày lên chùa trong ngày cúng hay không.
Dù do mâu thuẫn tích tụ lâu dài hay bột phát thì việc ra tay chém giết người thân một cách tàn nhẫn, lạnh lùng vẫn là cái ác phải bị trả giá.
Vậy mà sau khi các vụ án xảy ra, trên các diễn đàn, mạng xã hội vẫn có những luồng ý kiến tỏ ra thông cảm với hung thủ vì họ đã phải chịu ít nhiều ấm ức.
Có bài viết phân tích nguyên nhân để bênh vực cho người đàn ông đã giết chết em gái, đâm trọng thương em rể và cháu rể trên Facebook đã nhận được hàng nghìn lượt thích và vô vàn ý kiến đồng tình.
Điều đó cho thấy hiện vẫn đang tồn tại những luồng tư tưởng dùng nguyên nhân để biện minh cho tội ác, cho rằng việc sát hại người khác ít nhiều có sự hợp lý.
Tâm lý này vô cùng nguy hiểm vì nó khiến người ta cảm thấy việc mình có thể ra tay làm hại người khác là bình thường nếu theo quan điểm cá nhân thì mình đúng, người kia sai. Nhất là khi tâm lý đó được đám đông đồng tình, ủng hộ lại càng dễ khiến con người xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực.
Tất cả những hành vi làm hại tới người khác, đặc biệt là tước đoạt mạng sống đều cần bị lên án. Cho dù mối mâu thuẫn giữa hung thủ và nạn nhân là gì chăng nữa thì việc xâm hại tới người khác đều đi ngược lại đạo đức và pháp luật.
Kể cả khi nạn nhân là người có lỗi thì cũng không được dùng cái sai trầm trọng hơn là bạo lực, truy sát để xử lý mâu thuẫn.
Dùng cái sai này để đáp trả một cái sai khác không giúp chấm dứt mâu thuẫn mà chỉ làm cho nó trầm trọng thêm và hậu quả không thể lường hết được.
Nếu ai cũng xử lý theo kiểu “luật rừng” đó thì sẽ gây nhiều bất ổn cho xã hội, sẽ có những người lợi dụng tâm lý đó để phạm tội trong khi hoàn toàn có thể giải quyết bằng những cách khác.
Việc một số tờ báo khai thác quá sâu vào sự lạnh lùng, nhẫn tâm, miêu tả chi tiết hành động của hung thủ để thu hút người đọc mà không có tính định hướng cũng góp phần kích động bạo lực, vi phạm đạo đức nghề báo.
Để đáp ứng sự tò mò của bạn đọc, một số tờ báo viết về nguyên nhân gây mâu thuẫn và đăng kèm nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự thông cảm với hung thủ giết người do nạn nhân nợ tiền. Vô hình trung các tờ báo đó khiến dư luận cảm thấy những ý kiến đó được ủng hộ một cách chính đáng.
Để ngăn chặn những luồng tư tưởng tai hại, cổ vũ bạo lực, biện minh cho tội ác, các cơ quan báo chí, truyền thông cần có những bài viết lên án mạnh mẽ những hành vi tàn ác, thể hiện chính kiến rõ ràng chứ không nên chỉ chăm chăm khai thác những chi tiết thỏa mãn tính hiếu kỳ của người đọc.
Những vụ thảm sát gần đây đều có bằng chứng rõ ràng, xác định được hung thủ ngay lập tức, gây rúng động trong dư luận nên cần được xét xử sớm với những bản án nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Như vậy mới tạo tính răn đe mạnh mẽ với những mầm mống tội ác đang nhen nhóm trong những người cho rằng có thể dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với người khác mà không cần tới các biện pháp khác hoặc sự phân xử của pháp luật.
THÁI HÒA