Chặn gian lận xuất xứ từ gốc
Kinh tế - Ngày đăng : 10:06, 21/09/2019
Thép các loại là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất hiện nay - Ảnh:T.V.N.
Tổ công tác của Thủ tướng vừa làm việc với một loạt hiệp hội các ngành hàng nhằm lắng nghe những kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ đối với các ngành hàng có nguy cơ bị gian lận cao như dệt may, da giày, đồ gỗ, sắt thép, nhựa...
Động thái này vô cùng cần thiết bởi theo một số hiệp hội ngành hàng, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, không ít nhà đầu tư ngoại, đặc biệt các doanh nghiệp FDI có vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm mục tiêu chuyển tải bất hợp pháp, đẩy một số ngành hàng của Việt Nam vào nguy cơ bị áp thuế cao, mất thị trường xuất khẩu.
Sản phẩm bao bì làm bằng nhựa PE của Việt Nam từng bị mất thị trường Hoa Kỳ là một ví dụ.
Vào năm 2009, sản phẩm bao bì làm bằng nhựa PE - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam bị kiện thuế chồng thuế tại thị trường Hoa Kỳ (thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp) với lý do tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này nhảy vọt từ mức 8 - 12%/năm lên trên 30% trong hai năm liên tiếp.
Điều đáng nói, việc tăng trưởng mạnh về sản lượng và kim ngạch này đến từ hai doanh nghiệp FDI 100% vốn Trung Quốc đầu tư nhà máy tại Việt Nam với dây chuyền đơn giản - thực chất là vài công đoạn cuối (cắt/chia cuộn/vô bao) nhằm lấy xuất xứ Việt Nam và hưởng thuế suất ưu đãi, sau khi mặt hàng này tại Trung Quốc bị phía Mỹ áp thuế chống phá giá.
Chưa hết, sau khi sản phẩm này của Việt Nam bị Mỹ áp thuế cao, các doanh nghiệp này cũng "biến mất" khỏi Việt Nam, chuyển nhà máy sang Campuchia và Thái Lan. Hậu quả là ngành hàng bao bì nhựa PE của Việt Nam mất luôn thị trường Mỹ do chịu mức thuế suất chống bán phá giá lên tới 50% đến tận ngày nay.
Và trong những năm qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam bị Mỹ và các nước kiện chống bán phá giá vì có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng bất thường, sau khi các sản phẩm này của Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá hoặc bị áp thuế cao.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đều cho rằng ngoài việc cố tình gian lận xuất xứ, các doanh nghiệp FDI còn tận dụng những kẽ hở từ việc thiếu các quy định bắt buộc các doanh nghiệp này nếu có sản phẩm bị kiện phải tham gia, hợp tác nghiêm túc để xử lý các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại của nước đến đầu tư.
Theo các chuyên gia, ngay từ khi tiếp nhận đơn xin đầu tư nhà máy từ những doanh nghiệp FDI, đặc biệt từ Trung Quốc, cần yêu cầu các nhà đầu tư trả lời các bảng câu hỏi, trong đó có nội dung: sản phẩm do doanh nghiệp này sản xuất khi xuất khẩu với mã HS cụ thể có bị áp các loại thuế phòng vệ thương mại tại quốc gia nào hay chưa?
Sau khi thẩm tra, cơ quan chức năng đã có thể xác định doanh nghiệp FDI có ý đồ chuyển giá, gian lận hay ẩn lậu thuế hay không... Hoặc trong hồ sơ xin giấy phép đầu tư nhà máy, nhất thiết phải yêu cầu giải trình chi tiết về quy trình công nghệ để có cơ sở tham vấn với các hiệp hội chuyên ngành về dây chuyền công nghệ, tránh được nguy cơ dây chuyền sản xuất mang tính trá hình, không thực chất.
Đặc biệt, khi doanh nghiệp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), các cơ quan chức năng nên gửi về cho các hiệp hội chuyên ngành các thông tin về số lượng C/O mã HS đã cấp để các hiệp hội có sự chủ động trong việc theo dõi, tổng hợp, giám sát tốc độ tăng trưởng về lượng và trị giá của các sản phẩm liên quan của ngành nhằm có thông tin cảnh báo sớm, tránh nguy cơ hàng hóa Việt Nam rơi vào tầm ngắm của các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo Tuổi trẻ