Người bạn mới

Các em viết - Ngày đăng : 14:46, 22/09/2019

Hôm nay là buổi học cuối tuần nên các bạn trong lớp tôi rất háo hức vì được sinh hoạt tập thể, được chơi trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ.



Hôm nay là buổi học cuối tuần nên các bạn trong lớp tôi rất háo hức vì được sinh hoạt tập thể, được chơi trò chơi, biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Đùng một cái, cô chủ nhiệm bước vào lớp dắt theo một bạn nữ lạ hoắc. Nhìn bạn khép nép, rụt rè, quần áo cũ rích lại còn nhăn nhúm nữa, tôi thấy mất cảm tình.

Cô nghiêm giọng thông báo với cả lớp:

- Cô giới thiệu với các em, từ hôm nay lớp chúng ta có thêm thành viên mới. Đây là bạn Nguyễn Thị Hoa - cô mỉm cười nhìn bạn mới và dắt bạn vào ngồi bàn thứ hai, dãy giữa, cạnh tôi. Cô chuyển cái Nga, đứa bạn thân nhất của tôi đi chỗ khác để nhường chỗ cho bạn Hoa mới đến. 

Quay trở lại bàn giáo viên, cô nhẹ nhàng bảo:

- Các con ạ! Lớp chúng ta là một gia đình. Thêm bạn là thêm thành viên. Nào, Hoa, con hãy tự giới thiệu về bản thân mình đi! - cô nhìn Hoa khích lệ.

Cô vừa dứt lời, bỗng có tiếng bàn tán, xì xèo khắp lớp. Hoa ngượng nghịu đứng lên và nói, giọng buồn buồn, chẳng hồ hởi tí nào:

- Chào các bạn. Mình là Nguyễn Thị Hoa. Vì điều kiện gia đình nên mình xin chuyển về đây để được học cùng các bạn. Mong được các bạn giúp đỡ.  

- À! Đấy là Thị Hoa, còn Hoa lớp mình là Phương Hoa - Bình nói rồi cười khùng khục.

Nhiều bạn hùa theo:

- Các bạn ơi, cũng tên là Hoa mà sao chẳng giống Phương Hoa lớp mình gì nhỉ? Da thì đen, người thì gầy. Xấu quá! Chắc nhà nghèo rồi. Thế mà cũng đòi vào lớp này học! Chắc gì đã theo được.

Nghe thấy tiếng xì xèo chê bai, dè bỉu vang lên, gương mặt Hoa đỏ bừng, đôi mắt rơm rớm. Còn cô giáo thì nét mặt trở nên nghiêm lại:

- Các em có thôi đi không! Bạn mới chuyển đến sao các em đã dành cho bạn những lời lẽ như thế. Đây không phải là lúc nói đùa ác ý đâu.

Cả lớp bỗng im phăng phắc, chỉ còn tiếng thút thít của Hoa. Cô bước đến, đặt bàn tay lên vai Hoa:

- Các em ạ! Gia đình bạn Hoa có hoàn cảnh đặc biệt. Cô hy vọng cả lớp sẽ gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ để bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới. Lớp mình có nhất trí không?

- Vâng ạ! - một vài tiếng nho nhỏ cất lên ở cuối lớp.

Từ hôm đó, cô giao cho tôi kèm cặp và giúp Hoa nhanh chóng hòa nhập với cả lớp. Bề ngoài tôi vẫn vâng dạ răm rắp nghe lời cô nhưng trong bụng tôi không thích việc đó chút nào. 

Các bạn trong lớp đặt cho Hoa đủ các biệt hiệu nào là "Hoa Cá Trôi", “Hoa tự kỷ”. Từ hôm cái Linh phát hiện mẹ Hoa làm nghề thu gom đồng nát thì Hoa có thêm biệt hiệu “Hoa đồng nát”.

- Gọi thế cho đỡ nhầm với cái Phương Hoa tiểu thư - Bình góp lời.

Cả nhóm cười vang đắc chí mà chẳng cần để ý đến tâm trạng của Hoa. Có lần tôi phát hiện Hoa gục mặt xuống bàn khóc.

Qua đợt khảo sát tháng, Hoa đứng thứ nhất toàn khối. Cả lớp sững sờ khi cô thông báo kết quả. Ngay cả bài toán khó nhất tôi nghĩ đau cả đầu cũng không tìm ra cách giải mà Hoa lại làm ngon lành. Bài văn kể về người thân thì Hoa viết xúc động đến nỗi cô chủ nhiệm đọc xong, đứa nào đứa nấy mắt đã đỏ hoe. Trong khi đa số các bạn kể về mẹ thì Hoa viết về bố. Qua bài văn cô đọc, chúng tôi mới biết rõ hoàn cảnh của Hoa. Thì ra bố Hoa mới mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ con Hoa phải chuyển về quê ngoại để có chỗ nương tựa. Những kỷ niệm thân thương về bố vẫn đầy ắp đối với Hoa.

Cô chủ nhiệm không cần nói thêm điều gì thì cả lớp đã biết hoàn cảnh gia đình Hoa khó khăn. Ngoài giờ học trên lớp, Hoa còn giúp mẹ làm nhiều việc nhà như nấu cơm, tưới rau, phân loại đồng nát... Có những hôm Hoa ăn cơm nguội với muối vừng để đi học. Ước mơ của bạn là học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho những người nghèo. Hoa đã hứa với bố như thế. Trong bài văn, Hoa đã viết tất cả những điều đó.

Tan học, Bình chạy lại chỗ Hoa:

- Tớ thành thật xin lỗi. Bạn đừng giận tớ nhé.

Chờ các bạn về hết, tôi mới nắm tay Hoa thủ thỉ:

- Tớ thấy mình thật có lỗi vì trong suốt thời gian qua tớ đã đối xử không tốt với bạn. Từ nay chúng ta là bạn nhé!

Hoa để yên bàn tay nhỏ bé, gầy guộc trong tay tôi. Bạn khẽ mỉm cười, gật đầu. Một cảm giác ấm áp lan tỏa trong lòng tôi. Từ nay tôi có thêm một người bạn giàu yêu thương và nghị lực. Người bạn ấy đã giúp cho các thành viên lớp tôi nhận ra đừng bao giờ đánh giá người khác chỉ qua vẻ bề ngoài.

NGUYỄN NGỌC LAN(Lớp 6B, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)