Trung tâm của GS Hồ Ngọc Đại gửi kiến nghị lên Thủ tướng bày tỏ bức xúc về bộ sách bị loại
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:53, 23/09/2019
GS Hồ Ngọc Đại nói về kết quả thẩm định sách giáo khoa: "Tôi không bất ngờ"
Văn bản kiến nghị đã được gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) ngày 23.9.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trung tâm Công nghệ giáo dục (CNGD) cho biết việc sách Tiếng Việt và Toán lớp 1 - CNGD bị đánh giá "không đạt" khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh ở 48 tỉnh, thành đang học chương trình này thắc mắc, bức xúc, nhiều người hoang mang.
Ý kiến của Hội đồng thẩm định chỉ là những đánh giá trên lý thuyết, theo tiêu chí cứng nhắc. Trong khi bộ sách CNGD đã được thẩm định nhiều lần và kiểm chứng trong thực tiễn, được cuộc sống đón nhận...
"Cán bộ Trung tâm CNGD xin được bày tỏ sự bức xúc cũng như những tâm huyết với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Kính mong Thủ tướng quan tâm", văn bản gửi Thủ tướng viết.
Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Trung tâm CNGD bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của hội đồng thẩm định, với các lý do được trình bày, phân tích cụ thể.
Sách đã được thẩm định nhiều lần, giá trị thực tiễn cao
Bản kiến nghị đưa ra dẫn chứng CNGD đã được hình thành và định hình trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm lâu dài (trên 40 năm) từ ý tưởng khoa học đến những quan điểm giáo dục có tính lý luận, triết lý - đã thành một phương án giáo dục mới ở tiểu học.
Đến nay, những quan điểm đó đã được áp dụng khá rộng rãi như quan điểm lấy học sinh là trung tâm, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc, học sinh học tập bảo đảm an toàn, đạt chất lượng cao.
Tính từ năm 1979 đến nay, sách Tiếng Việt - CNGD cũng một lần ngưng triển khai dạy học. Đó là thời điểm thay sách giáo khoa (SGK) năm 2000, cả nước chỉ thực hiện một chương trình, 1 bộ SGK duy nhất.
Tuy nhiên, 6 năm sau đó, nạn "ngồi nhầm lớp", lưu ban gia tăng do học sinh học kém Tiếng Việt ở một số địa phương khó khăn đã khiến Bộ GDĐT phải đưa trở lại Tiếng Việt - CNGD theo hình thức dự án tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh khó khăn. Điều này khẳng định giá trị của tài liệu, phương pháp dạy học này.
Tiếng Việt - CNGD tiếp tục được triển khai rộng rãi ở những địa phương có nhu cầu. Có 48 tỉnh, thành triển khai sách này. Trong ba năm học gần nhất, có từ 700.000 - 900.000 học sinh học. Hiện tại Trung tâm CNGD đã biên soạn xong sách cho bậc tiểu học theo phương pháp CNGD.
"Trong khi SGK chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, thì sách CNGD đã qua ba lần thẩm định (năm 1990, 2017 và 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.
Về bản chất, chương trình CNGD phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, cả về lý thuyết và trên thực tiễn", bản kiến nghị nêu.
Chương trình Tiếng Việt 1 chỉ quy định các nội dung cần bảo đảm và Tiếng Việt 1 CNGD bảo đảm các quy định đó. Việc các tác giả sử dụng một số nội dung KHÁC thêm vào không ảnh hưởng tới các nội dung yêu cầu. Đó chỉ là một CÁCH làm, cách tiếp cận mới phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nếu bắt tất cả các cuốn SGK đều theo một cách làm như nhau với cùng một nội dung như nhau thì việc đưa ra nhiều bộ SGK liệu có còn cần thiết?"
Phản biện của Trung tâm CNGD
"Không nên đánh giá sách theo thông tư và những chỉ báo"
Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT, Trung tâm CNGD cho rằng không nên đánh giá sách giáo khoa CNGD theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định áp dụng, vì sách Tiếng Việt và Toán CNGD đã được đánh giá thẩm định nhiều lần và được các hội đồng trước đây đánh giá tốt, đã có giá trị thực tiễn cao.
Nhìn lại cả quá trình, đây là bộ sách mới, ngày càng được hoàn thiện theo những quan điểm giáo dục nhất quán và được kiểm nghiệm trong thực tiễn phù hợp với đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Bản kiến nghị viết: "Bộ sách này không giống sách cải cách giáo dục được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước năm 1981, không giống sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai rộng rãi năm 2002, mà góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng như giai đoạn từ năm 2006-2007 đến nay.
Bộ sách này không phải bộ sách cần thay bằng bộ sách mới như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000 mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng".
Người đứng tên ký cả bản kiến nghị gửi Thủ tướng và gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT là PGS-TSKH Nguyễn Kế Hào, cán bộ đại diện Trung tâm CCNGD. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học trước những năm 2000 và đã tuyên bố từ chức để bảo vệ quan điểm giáo dục đối với học sinh tiểu học.
Trước đó, Trung tâm CNGD đã gửi thẩm định đợt đầu tiên với sách Tiếng Việt, Toán, Đạo đức lớp 1. Kết quả công bố cho nhóm tác giả vào ngày 29.8, chỉ có sách Đạo đức đạt, sách Toán, Tiếng Việt xếp loại không đạt với sự thống nhất cao của hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Sách Tiếng Việt 1 - CNGD giữ nguyên tư tưởng, triết lý xuyên suốt trong những năm qua với cách dạy Tiếng Việt bắt đầu bằng dạy âm/tiếng.
Tuy có điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới nhưng vẫn bị đánh giá "vượt chương trình", "không bám sát chương trình". Nhiều ngữ liệu bị hội đồng thẩm định cho rằng cần bỏ, cần điều chỉnh. Hội đồng cũng liệt kê trên 300 nội dung, chi tiết phải sửa, phải lược bỏ, trong đó có nhiều chi tiết chỉ mang tính kỹ thuật.
GS Hồ Ngọc Đại cho rằng ông không bất ngờ về kết luận của Hội đồng thẩm định. Còn lãnh đạo Bộ GDĐT tới thời điểm hiện nay chưa có ý kiến chính thức về sự việc này.
Ngày 12.9, thông tin sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trao đổi với báo chí cùng ngày, đại diện Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt cho biết họ phải bám sát 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí theo Thông tư 33/TT-BGDĐT do Bộ GDĐT ban hành. Theo đó, có những yêu cầu sách CNGD còn thiếu, có những nội dung vượt quá, không có trong chương trình. Trong hơn một tuần qua, nhiều ý kiến trái chiều về việc này cũng được đăng trên một số tờ báo. Có ý kiến đồng tình với kết luận của Hội đồng thẩm định, nhưng cũng nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học cho rằng không nên xếp "đồng hạng" Tiếng Việt CNGD với các sách mới biên soạn, chưa trải qua thử thách của thực tế dạy học. Việc thẩm định nếu cứng nhắc, chi tiết hóa từng nội dung cụ thể, yêu cầu mang tính kỹ thuật sẽ dẫn tới việc bỏ lỡ những tài liệu/phương pháp giáo dục có giá trị, không khuyến khích đa dạng hóa nguồn tài liệu dạy học như chủ trương ban đầu của Bộ GDĐT. |
Theo Tuổi trẻ