TP Hải Dương: Phụ huynh cùng giám sát bữa ăn bán trú

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 11:58, 24/09/2019

Vai trò tự giám sát của các trường cũng như phụ huynh học sinh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trường học được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương quan tâm triển khai bài bản.


Nhờ sự giám sát của Ban Đại diện cha mẹ học sinh nên bữa ăn bán trú của học sinh các trường học ở TP Hải Dương được bảo đảm hơn

Với số lượng bếp ăn bán trú lớn, việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học tại TP Hải Dương được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cùng các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện chặt chẽ. Vai trò tự giám sát của các trường cũng như phụ huynh học sinh được quan tâm triển khai bài bản.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, toàn thành phố hiện có 82 trong tổng số 102 trường tổ chức ăn bán trú cho gần 34.000 trẻ mầm non và học sinh. Nhu cầu gửi con đến trường ăn bán trú ngày càng tăng nên ngoài trách nhiệm của các thầy, cô giáo thì trách nhiệm của các cấp quản lý cũng rất nặng nề. Điểm mới nhất của năm học 2019 - 2020 là thành phố đã tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh thông qua việc thành lập các Ban Giám sát bữa ăn bán trú tại trường học. Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Ngay trước thềm năm học mới, phòng đã phối hợp triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường học, trong đó vai trò của UBND các xã, phường được chú trọng. Các trường được yêu cầu làm việc cụ thể, rõ ràng, có hợp đồng, cam kết của các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng, phục vụ các bữa ăn. Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã phối hợp với Phòng Y tế tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban Giám sát bán trú trường học, các bếp trưởng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách công tác bán trú và phụ huynh tham gia giám sát của 82 trường học trong thành phố. Tại lớp tập huấn, giáo viên và phụ huynh đã được tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm, hướng dẫn bố trí bếp ăn, quy trình nhận và xử lý thực phẩm an toàn, xử lý ngộ độc thực phẩm... Cùng với đó, bàn giải pháp để cải thiện nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng. Cụ thể, thực phẩm phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố hoặc cơ sở được chứng nhận VietGAP. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến tại các bếp ăn. Trong những trường hợp cần thiết, có thể kiểm tra đột xuất các trường có những nghi vấn để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về vai trò của phụ huynh trong công tác giám sát, kiểm soát thực phẩm an toàn tại trường học, chị Nguyễn Thị Thu Hà, thành viên Ban Đại diện cha mẹ học sinh đang trực tiếp tham gia Ban Giám sát bữa ăn bán trú của Trường Mầm non Quang Trung cho biết: Vào mỗi buổi sáng, thành viên ban đại diện, ban giám sát có mặt cùng nhân viên nhà trường kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm. Các thành viên ban giám sát cũng luân phiên tham gia kiểm tra quy trình chế biến, lưu mẫu cũng như tổ chức bữa ăn của học sinh tại trường; yêu cầu nhà trường minh bạch trong tổ chức bữa ăn bán trú, niêm yết công khai danh sách các công ty cung cấp thực phẩm vào trường để phụ huynh cùng kiểm tra, đánh giá, góp phần tăng hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, ban giám sát cũng tích cực tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nắm các kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho gia đình.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường đạt hiệu quả, cùng với công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, vai trò tự giám sát của nhà trường, phụ huynh học sinh cũng rất quan trọng nhằm kịp thời loại bỏ các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

NGUYÊN THƯƠNG