Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 1: Nhìn từ các bãi rác và nhà máy xử lý

Môi trường - Ngày đăng : 09:22, 26/09/2019

Hiện nay, phần lớn rác thải sinh hoạt (RTSH), trong đó có rác thải nhựa (RTN) và túi nilon mới được xử lý bằng phương pháp đơn giản là chôn lấp hoặc xả bừa bãi ra môi trường.

Dây chuyền tách lọc rác thải nhựa tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Việt Hồng của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương

Với đặc điểm khó phân hủy, túi nilon và RTN tồn tại lâu dài ngoài môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Rất khó phân hủy

Theo các nhà khoa học, phải mất hàng thế kỷ túi nilon, RTN mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Túi nilon, RTN lẫn trong đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, đất không giữ được chất dinh dưỡng, nước, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Túi nilon vứt xuống ao hồ, cống rãnh, sông ngòi làm dòng chảy bị tắc nghẽn, gây ngập úng, sản sinh nhiều vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng xấu đến các loài sinh vật dưới nước…  

Bãi rác Soi Nam ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đóng cửa từ năm 2011 sau gần 10 năm hoạt động. Bãi rác này đang được Công ty CP Đầu tư môi trường Huy Hoàng Eco xử lý để hoàn trả mặt bằng cho dự án khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers). Sau hàng chục năm nằm dưới lòng đất, hầu hết rác thải hữu cơ đã phân hủy hết nhưng nhiều túi nilon vẫn còn như mới. Ông Phùng Văn Huy, Giám đốc Công ty CP Đầu tư môi trường Huy Hoàng Eco cho biết trong hàng nghìn tấn RTSH đã moi lên, lượng RTN chiếm từ 4 - 5%. "Sau hàng chục năm chôn dưới đất, RTN như nilon, chai lọ... vẫn chưa có dấu hiệu bị phân hủy. Để hạn chế tác hại đối với môi trường, sau khi phân loại, làm sạch, RTN sẽ được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nhựa", ông Huy nói.

Trong khuôn viên nhà máy chế biến rác thải của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương (Thanh Hà), hàng chục nghìn tấn rác vẫn nằm chất đống phơi mưa nắng. Lượng RTSH này vận chuyển từ TP Hải Dương xuống gần chục năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý. Dù các loại rác có nguồn gốc hữu cơ đã phân hủy gần hết nhưng túi nilon, chai nhựa và nhiều loại đồ dùng bằng nhựa vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nói về sự tồn tại lâu dài của RTN, ông Bùi Quang Bồng, Giám đốc công ty này cho biết nhiều phần rác chuyển xuống đây nằm phơi mưa nắng gần chục năm nhưng túi nilon đựng rác gần như còn mới, cảm giác chỉ cần rửa qua là có thể dùng lại được. Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, RTN thường chiếm từ 4 - 5% tổng lượng RTSH các loại. Do thói quen không phân loại rác tại nguồn nên việc xử lý tại nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. “Để xử lý RTSH, chúng tôi đã phải lắp đặt thêm một dây chuyền chuyên tách lọc. RTN sau đó sẽ được thu gom rồi tái chế. Việc tách, lọc RTN trước khi đưa vào lò đốt sẽ hạn chế việc phát sinh khí thải vào môi trường”, ông Bồng nói.

Ngập ngụa rác thải nhựa

Rác thải nhựa tồn tại lâu dài trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Trong ảnh: Công ty CP Đầu tư môi trường Huy Hoàng Eco xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi rác Soi Nam

Tại bãi rác tập trung ở thị trấn Kinh Môn, RTSH chất thành đống tràn cả ra ngoài bãi sông, xuống ruộng trồng sắn. Mùi nilon cháy khét lẹt lẫn với mùi hôi thối của rau củ, xác động vật đang phân hủy làm ai đi qua cũng phải bịt mũi, đi nhanh. Trong bãi là hàng nghìn túi rác to nhỏ, cũ mới khác nhau. Gió đưa túi nilon bay la liệt khắp nơi. 

Trên bãi rác tập trung phường Cộng Hòa (TP Chí Linh), hàng chục người đi găng tay mấy lớp, đeo khẩu trang kín mít kiên trì nhặt nhạnh từng chiếc túi nilon, chai nhựa hoặc bất cứ thứ gì có thể bán được. Gắn bó với bãi rác này gần chục năm nay, chị Hòa ở khu dân cư Chi Ngãi, phường Cộng Hòa cho biết mỗi bọc rác là một túi nilon, thậm chí trong một túi lớn có hàng chục túi nhỏ. Ngoài ra, chai, cốc uống nước, thìa, muỗng, ống hút làm bằng nhựa… cũng được thải ra bãi rác này. Theo chị Hòa, RTSH của nhiều phường, xã của TP Chí Linh dồn cả về đây. Rác lại không được phân loại nên túi nilon nhiều đến nỗi hàng chục người nhặt cả ngày cũng không hết. 

Ông Phạm Ngọc Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thanh Miện cho biết HTX hiện có 6 tổ thu gom RTSH với 22 thành viên, mỗi ngày thu gom khoảng 6 tấn RTSH, trong đó RTN chiếm tới 10%. Thời gian qua, việc thu gom, xử lý RTSH gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức phân loại rác tại gia đình. Phương pháp xử lý rác hiện nay chủ yếu chôn lấp trong khi túi nilon và RTN rất khó bị phân huỷ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho bãi rác tập trung của thị trấn thường xuyên trong tình trạng quá tải dù mới được quy hoạch cách đây 2 năm. Cũng tại huyện Thanh Miện, bãi chôn lấp rác thải tập trung thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang đã đầy ứ dù mới sử dụng chưa được 5 năm. Giống như các bãi chôn lấp khác, bãi rác thôn Hữu Chung phần nhiều là túi nilon, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vật dụng sinh hoạt bằng nhựa đã hỏng.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 800 tấn RTSH các loại. Túi nilon và nhựa các loại chiếm tới 16% tổng khối lượng rác thải phát sinh hằng ngày, tương đương khoảng 130 tấn. Một lượng túi nilon và RTN khổng lồ không được thu gom đã bị thải bừa bãi ra môi trường. 

ĐỖ QUYẾT - VỊ THỦY

Kỳ sau:Thói quen chưa dễ bỏ