Nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:19, 26/09/2019

Mặc dù chính quyền địa phương, ngành thú y và người dân đã có nhiều biện pháp để khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nhưng ở một số địa phương, dịch bệnh vẫn tái phát.

Chuồng trại chăn nuôi không hợp vệ sinh là một trong những nguyên nhân tái phát dịch tả lợn châu Phi

Nuôi không hợp vệ sinh

Sau hơn 1 tháng xã Thái Tân (Nam Sách) công bố hết DTLCP, bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Chu Đậu mới nuôi lợn trở lại. Bà Dung lo lắng cho biết: "Ngày nào gia đình tôi cũng dùng khoảng 1 tạ gạo nấu rượu nên muốn tận dụng nguồn này để nuôi lợn.

Đầu tháng 9 vừa rồi, tôi mua 9 con lợn choai (trọng lượng 30 kg/con) của một hộ trong xã.

Nuôi được mấy hôm, lợn sốt cao rồi chết. Lợn bị chết có biểu hiện của bệnh DTLCP. Vì thế, xã đã tiêu hủy 3 con, còn 6 con nữa không biết có giữ được không?".

Trước đó, gia đình bà Dung đã phải tiêu hủy toàn bộ 22 con lợn gồm 1 con nái và đàn lợn thịt. Sau khi tiêu hủy lợn, hầu như ngày nào bà cũng rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng, làm lại nền chuồng... với hy vọng nhanh chóng loại bỏ mầm bệnh để sớm tái đàn.

Mặc dù đã được vệ sinh sạch sẽ nhưng chuồng nuôi lợn cũng là nơi nuôi nhốt gà nên nước thải, chất thải vẫn chưa được thu gom và xử lý đúng cách. 

Đây là hộ thứ hai của xã Thái Tân bị tái phát DTLCP. Sau khi dịch tái phát, xã đã yêu cầu cán bộ thú y tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, không để dịch lây lan. Đồng thời, thông báo đến tất cả các hộ chăn nuôi trong xã ngừng tái đàn nuôi lợn. 

DTLCP cũng tái phát tại hộ ông Nguyễn Văn Tải ở thôn Cam Xá, xã Cổ Bì (Bình Giang). Tháng 5 vừa qua, ông Tải đã phải tiêu hủy hơn 60 con lợn do DTLCP.

Lúc đó trong chuồng chỉ còn 29 con lợn được nuôi ở những ô chuồng khác, không nhiễm bệnh nên gia đình xin giữ lại. Đến ngày 11.9, tiếp tục phải tiêu hủy số lợn này do nhiễm bệnh DTLCP.

"Chuồng trại chăn nuôi nhỏ hẹp, không hợp vệ sinh, trong trại nuôi cả chó, mèo nên khó kiểm soát được nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào", ông Tải nói.

Trước đó, ngày 2.4, DTLCP bùng phát ở xã Cổ Bì. Lực lượng chức năng của xã đã phải tiêu hủy hơn 1.700 con lợn với tổng trọng lượng gần 63 tấn. Sau khi dịch bùng phát, chính quyền địa phương, ngành thú y đã vận động người dân phun tiêu độc khử trùng môi trường; hướng dẫn vệ sinh chuồng trại đúng cách để hạn chế mầm bệnh xâm nhập trở lại trang trại.

Ngày 18.6, xã đã công bố hết DTLCP. Sau gần 3 tháng dịch bệnh được khống chế, đến ngày11.9, nơi này lại tái phát dịch.

Ông Nguyễn Văn Luật, Trưởng Ban Thú y xã Cổ Bì lo lắng: "Xã còn khoảng 700 con lợn, trong đó có 2 hộ nuôi từ 200 con trở lên, còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chúng tôi rất lo dịch sẽ bùng phát lại trên diện rộng". 

Phớt lờ cảnh báo 

Huyện Nam Sách có 14 trong tổng số 19 xã, thị trấn đã công bố hết DTLCP. Đầu tháng 9 vừa qua, có thêm 2 xã tái phát DTLCP ở 3 hộ chăn nuôi. Tại các địa phương khác, dù dịch bệnh chưa tái phát nhưng nguy cơ dịch quay lại rất cao bởi mầm bệnh vẫn còn trong môi trường.

Một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn không thông báo với chính quyền địa phương và không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành thú y.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương, ngành thú y đã nhiều lần khuyến cáo người dân phải chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn sinh học nhưng các hộ vẫn không tuân thủ.

Dịch bệnh tái phát chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, họ tận dụng thức ăn thừa, chuồng trại không hợp vệ sinh... Trong khu vực chuồng nuôi lợn còn có nhiều động vật khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh DTLCP tái phát.

DTLCP đã hoành hành trên địa bàn tỉnh từ tháng 4.2019. Đến nay, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy hơn 390.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 232.000 tấn. Chỉ tính riêng số tiền Nhà nước hỗ trợ người dân bị thiệt hại đã lên đến khoảng 900 tỷ đồng.

Sau một thời gian thực hiện nhiều biện pháp, đến nay dịch đã cơ bản được khống chế. Hiện có hơn 200 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch. Mặc dù vậy, đã có 4 xã bị tái phát trở lại là Thái Tân, Hiệp Cát (Nam Sách), Cổ Bì (Bình Giang) và Thăng Long (Kinh Môn). 

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp chính để ngăn chặn DTLCP vẫn là chăn nuôi an toàn sinh học. Ngành thú y đã khuyến cáo người dân chưa nên tái đàn trở lại nếu trang trại không đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. "Nhưng nhiều hộ phớt lờ cảnh báo, vẫn tái đàn trong điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm.

Toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 18.000 con lợn, nếu chủ quan, lơ là trong phòng chống, DTLCP dễ tái phát diện rộng. Nếu tái phát không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân từ nay tới cuối năm", ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh nói.

TRẦN HIỀN