Hải Dương thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 27/09/2019

Một trong các kết quả nổi bật của tỉnh trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về hội nhập quốc tế là đã đẩy mạnh hội nhập về kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động hội nhập quốc tế

Qua kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của Tỉnh ủy về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế cho thấy tỉnh ta đã đạt được những tiến bộ nhất định, song cũng còn không ít rào cản.

Thêm 1,3 tỷ USD vốn FDI

Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, một trong các kết quả nổi bật của tỉnh trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về hội nhập quốc tế là đã đẩy mạnh hội nhập về kinh tế.

Với chính sách tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh, trong 5 năm 2014-2018, toàn tỉnh đã thu hút được 180 dự án nước ngoài đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. Hầu hết các huyện đều đã xây dựng được khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp với quy mô và mức độ tập trung lớn. TP Hải Dương, Chí Linh và huyện Kinh Môn là những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư. Các huyện, thành phố đã khôi phục, duy trì hoạt động của 35 làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hằng năm đều tăng. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ năm 2013-2018 đạt 28,3 tỷ USD, tăng bình quân 15,3%; giá trị nhập khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng bình quân 16,5%. Trong 6 năm qua, cấp tỉnh đã tổ chức 12 cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp để nắm bắt, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh tổ chức và tham gia 109 hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm ở trong nước, quốc tế. Trong nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quy trình canh tác, cách thức bảo quản mới, các giống mới được quan tâm đưa vào sản xuất. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu và được xuất sang tiêu thụ tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật… Hoạt động đối ngoại nhân dân ngày một phát triển

Còn một số rào cản

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, hoạt động hội nhập quốc tế của tỉnh còn một số rào cản. Đó là việc phát triển hạ tầng giao thông hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chưa xây dựng được trường học hay mô hình hợp tác quốc tế lớn về giáo dục và đào tạo đủ điều kiện hội nhập quốc tế nên hoạt động đào tạo nghề cho người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu, không cụ thể. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.

Đáng nói là việc theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, triển khai dự án, giải ngân vốn còn chậm. Việc tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các dự án chậm triển khai chưa dứt điểm. Môi trường đầu tư của tỉnh và các địa phương còn nhiều rào cản, thiếu sức hút với các doanh nghiệp. Công tác xây dựng thương hiệu chưa sâu rộng…

 TM - TC