Ngày càng nhiều người mắc bệnh tim mạch

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:17, 27/09/2019

Hiện nay, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch do vẫn giữ thói quen xấu trong sinh hoạt và chủ quan với những dấu hiệu bất thường của cơ thể.


Thói quen hút thuốc và lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân khiến ông Phạm Trung Bộ (66 tuổi) ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) mắc căn bệnh hẹp van 2 lá

Lượng bệnh nhân tăng mạnh

Năm 2015, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được thành lập, gồm 2 Phòng khám quản lý ngoại trú bệnh nhân tim mạch. Ban đầu, trung tâm chỉ quản lý khoảng 1.000 bệnh nhân có bệnh án điều trị ngoại trú. Đến cuối năm 2017 đã tăng lên hơn 2.000 người và hiện đã tăng lên hơn 3.600 bệnh nhân. Bệnh nhân ở đây chủ yếu mắc các loại bệnh như tim thiếu máu cục bộ, suy tim, các bệnh mạch vành... hoặc từng trải qua phẫu thuật tim mạch. Chưa kể trung bình mỗi năm Trung tâm Tim mạch khám và điều trị cho khoảng 38.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tim mạch khác như huyết áp, rối loạn mỡ máu... Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã khám và điều trị cho gần 29.000 lượt bệnh nhân ngoại trú.

Cách đây khoảng 5 năm, bà Đỗ Thị Vy (64 tuổi) ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) thường xuyên cảm thấy đau tức ngực, khó thở, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ. Thế nhưng bà không đi khám mà tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Sau một thời gian dùng thuốc nhưng các cơn đau không thuyên giảm, bà Vy mới đi khám và được kết luận mắc bệnh suy tim. Từ đó, mỗi năm bà Vy phải tới bệnh viện vài lần để điều trị nội trú, mỗi đợt thường kéo dài khoảng 2 tuần. Từ tháng 4 đến nay, bà Vy phải điều trị 3 đợt tại Trung tâm Tim mạch. Không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, bà Vy còn phải tránh vận động mạnh, kiêng một số loại thực phẩm theo lời khuyên của bác sĩ.

Cũng giống bà Vy, mỗi năm ông Phạm Trung Bộ (66 tuổi) ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) phải tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh vài lần để điều trị căn bệnh hẹp van 2 lá. Theo các bác sĩ, việc hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân làm ông mắc căn bệnh này. Trước đây, ông từng phải phẫu thuật thay van 2 lá ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Căn bệnh của ông Bộ nếu không được điều trị tốt sẽ làm gia tăng áp lực lên tim và làm giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, có thể gây ra các cơn đột quỵ hoặc dẫn tới biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Không chỉ người cao tuổi mới có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch mà hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em mắc những căn bệnh này. Theo bác sĩ An Văn Nam, Phó Trưởng Khoa Tim mạch-Thận-Nội tiết - Huyết học (Bệnh viện Nhi Hải Dương), vài năm gần đây số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có xu hướng gia tăng. Khoa đang điều trị cho cháu Phạm Bá Th. (8 tuổi) ở xã Thái Thịnh (Kinh Môn) bị suy tim độ 4 (độ nặng nhất). Điều đáng nói là cháu Th. được phát hiện mắc căn bệnh tim bẩm sinh từ khi mới 2 tháng tuổi nhưng vì lý do nào đó nên gia đình của cháu đã từ chối điều trị. Sức khỏe của cháu Th. ngày càng yếu. Để cháu Th. có thể duy trì và cải thiện sức khỏe thì chỉ có một biện pháp duy nhất là thay tim với chi phí thực hiện rất cao.

Chủ động phòng ngừa

Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh nhân tim mạch ngày càng gia tăng. Đó là do môi trường ngày càng có nhiều thay đổi bất lợi như ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước, các loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ tồn dư các chất hóa học, dư lượng kháng sinh... Cuộc sống, công việc có nhiều áp lực, căng thẳng cũng là một trong những yếu tố gây bệnh. Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết các căn bệnh liên quan đến tim mạch gây nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản. Người dân nên vận động, tập thể dục, thể thao hằng ngày nhưng phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, giảm lượng muối ăn, mỡ động vật, hạn chế dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... Những người từ độ tuổi trung niên trở lên cần chú ý theo dõi các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh.

Theo bác sĩ An Văn Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ mắc tim bẩm sinh như trong quá trình mang thai, người mẹ mắc một số bệnh do virus gây ra (cảm cúm, sởi, Rubella...) hoặc thể chất, tinh thần bất ổn. Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, trước khi mang thai phụ nữ nên tiêm vaccine phòng một số loại bệnh. Khi mang thai nên khám, siêu âm thai định kỳ, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của thai nhi; giữ cho tinh thần thoải mái. Khi trẻ sinh ra, nếu phát hiện những dấu hiệu như da của trẻ nhợt nhạt, môi thâm tím, chậm lớn, thường hay mắc các bệnh về hô hấp thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế về tim mạch để được phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

HUYỀN TRANG