Rộng đường cho các vùng thủy sản
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:38, 29/09/2019
Đường đi vào vùng nuôi thủy sản tập trung xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) nhỏ hẹp, vẫn là đường đất
Vận chuyển hàng hóa khó khăn
20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, anh Đoàn Văn Đức ở thôn Hòa Bình thấy vùng nuôi cá tập trung của xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) không có sự thay đổi nhiều, nhất là các tuyến đường giao thông.
Theo anh Đức, trước đây các tuyến đường đều nhỏ hẹp, để vận chuyển cá ra bên ngoài hay thức ăn chăn nuôi vào bên trong, người dân phải dùng xe đạp, xe ba gác để chở.
Khoảng chục năm trở lại đây, khi các phương tiện giao thông phát triển, để không phải vất vả, tốn nhiều công sức, người dân đã mở bờ to rộng hơn để ô tô có thể vào được tận bên trong.
Người dân nuôi thủy sản trong vùng đã vài lần đầu tư kinh phí, trải gạch vỡ lên trên nhưng do kết cấu đường yếu, xe chở hàng nặng nên chỉ một thời gian ngắn gạch trôi hết, trơ lại chỉ còn đường đất.
''Do không có kinh phí đầu tư, chúng tôi làm chắp vá nên chỉ một thời gian đường lại hỏng, trở về hiện trạng ban đầu'', anh Đức nói.
Được quy hoạch và đưa vào khai thác đã trên 25 năm, hệ thống đường giao thông trong vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hồng Hưng (Gia Lộc) đã có những thay đổi so với trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Năm 2014, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã đầu tư kinh phí đổ bê tông đường đi của đơn vị với chiều dài khoảng 300 m, rộng từ 2-2,5 m nên người trong vùng nuôi thủy sản tập trung được đi nhờ.
Nhưng đoạn đường đổ bê tông chỉ chiếm 2/3 chiều dài tuyến đường chính trong vùng nuôi thủy sản nên phía bên trong vẫn là đường đất.
Ông Hồ Văn Nghi nuôi thủy sản trong vùng cho biết từ chỗ đường đổ bê tông đi vào khu nhà ông còn 200 m nữa. Hiện nay, đoạn đường này vẫn là đường đất nên việc đi lại rất khó khăn.
Ô tô không vào được nên khi vận chuyển cá ra bên ngoài cũng như đưa cám vào bên trong, các hộ dân đều phải dùng xe máy hoặc xe ba gác.
Vận chuyển như vậy không những mất nhiều thời gian mà cá còn dễ bị chết, chất lượng sản phẩm giảm đáng kể. Có những hộ dân đã hẹn kéo cá nhưng do mưa lớn, đường trơn trượt không thể vận chuyển cá ra bên ngoài nên đành phải hoãn.
Không những thế, do đường nhỏ, chỉ vừa cho 1 chiếc ô tô nên khi nhìn thấy xe đi vào, người đi xe máy hay xe đạp phải tìm chỗ tránh từ xa.
Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp làm đường
Đường giao thông nhỏ hẹp, chủ yếu đường đất là tình trạng chung của nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung hiện nay.
Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, mở rộng chăn nuôi của người dân.
Để nâng cao giá trị hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp theo Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020'', tháng 6.2019, tỉnh đã quyết định hỗ trợ 28,2 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách địa phương thuộc ngân sách tỉnh năm 2019 cho một số dự án nông nghiệp.
Các vùng thủy sản tập trung xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Vĩnh Hòa (Ninh Giang), Trùng Khánh, Hồng Hưng (Gia Lộc) và Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) được hỗ trợ tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng. UBND các huyện trên đều đã có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn kinh phí này để làm đường giao thông.
Ngay khi có kinh phí hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã triển khai làm đường trong các vùng nuôi thủy sản. Đến nay, xã Hồng Hưng đã khảo sát, thiết kế xong tuyến đường chính trong vùng thủy sản.
UBND xã sẽ mở rộng các tuyến đường đã có với tổng chiều dài 800 m, rộng từ 3-3,5 m, làm một số cống dưới đường để tạo thuận lợi cho người dân lấy nước. Dự kiến tháng 10 này công trình sẽ triển khai thi công, tháng 11 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
"Địa phương rất phấn khởi khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí để làm lại đường. Con đường này không chỉ người dân trong vùng thủy sản được hưởng lợi mà nhân dân địa phương còn có đường đẹp để ra đồng sản xuất.
Con đường hoàn thành, xã dự kiến sẽ mở rộng vùng thủy sản thêm 5 ha để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế", ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng cho biết.
Mặc dù tỉnh đã hỗ trợ kinh phí song so với nhu cầu thực tế của các địa phương trong làm đường giao thông cũng như xây dựng hạ tầng vùng thủy sản tập trung vẫn còn hạn chế.
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, tỉnh chỉ hỗ trợ cho các vùng thủy sản rộng từ 20 ha trở lên, định mức 100triệu đồng/ha. Đây mới chỉ là phần hỗ trợ, góp phần cho các địa phương giảm bớt khó khăn.
Để có những tuyến đường chất lượng, đủ độ dày, độ rộng, các địa phương cần huy động thêm sự đóng góp của người dân; đồng thời có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm đưa các công trình vào sử dụng, đáp ứng sự mong chờ của người dân.
THANH HÀ