Để họp phụ huynh không phải họp ''tiền đâu''

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:41, 29/09/2019

''Họp phụ huynh chủ yếu thu tiền, thôi tôi không đi họp, chị cứ đi xem thử năm nay đóng bao nhiêu rồi về bảo chúng tôi, đóng đủ tiền thì thầy cô chẳng trách đâu''...

Những buổi phụ huynh đầu năm nhàm chán và có cùng "công thức" đến mức phụ huynh thuộc làu, chẳng buồn đi. Làm sao để họp phụ huynh được những "người trong cuộc" chào đón? 

Ám ảnh những cuộc họp "tiền đâu"

Chiều qua, khi nghe con trai về nhắc: "Sáng mai, mẹ nhớ đi họp phụ huynh cho con đấy!", chị Lan bảo: "Có thể mẹ sẽ không đi đâu. Cuộc họp phụ huynh đầu năm không gì ngoài việc nhắc nhở chuyện tiền nong nên chán lắm". Nghe thế, cậu con trai giãy nảy: "Con làm cán bộ lớp, mẹ không đi họp còn ra cái gì nữa?". Thương con nên phải chiều nó mà đi.

Kết quả là đã quá giờ họp, lớp con chị vẫn vắng ngắt, lác đác một số phụ huynh bước vào lớp tìm chỗ ngồi. Cô giáo có vẻ sốt ruột nên liên tục nhìn đồng hồ và ngó ra ngoài cổng. Nửa tiếng sau, cuộc họp mới có thể bắt đầu dù vẫn còn khá nhiều hàng ghế trống...

Chị Lan kể mình nghe một số phụ huynh phàn nàn: "Họp phụ huynh đầu năm mục đích chính cũng chỉ là tiền, vậy thì khỏi đi họp, sau này mình cứ đóng tiền đủ thầy cô cũng chẳng trách". Có người còn "ủy thác": "Chị đi họp xem năm nay đóng góp bao nhiêu để chúng tôi nộp, ai sao mình vậy cho con đỡ khổ".

Nhiều người nói cuộc họp phụ huynh đầu năm là cuộc họp "đầu tiên" với cả nghĩa thực và nghĩa suy: "Tiền đâu?". Không chỉ phụ huynh chán, chính giáo viên cũng mệt mỏi với những cuộc họp đầu tiên thế này.

Mười lớp như một, đều chung một môtíp họp phụ huynh giống nhau: giới thiệu lý do, nghe đọc bản báo cáo dài về thành tích của nhà trường, tỉ lệ lên lớp, kết quả thi học sinh giỏi… và kế hoạch trong năm học tới.

Sau đó là bảng thu chi của toàn trường với các khoản thu, chi "hầm bà lằng" chẳng thể nào hiểu nổi. Cuối cùng, giáo viên thông báo các khoản chi dự kiến trong năm với một bảng liệt kê chi tiết như tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quỹ lớp, quỹ đội, mua dụng cụ học tập cho lớp, quạt máy, tiền hỗ trợ các hoạt động, phần thưởng cho học sinh được khen, giấy kiểm tra, mua sách truyện, báo đội…

Tiếp theo là phần đề xuất các khoản thu của lớp trong năm học và xin ý kiến phụ huynh. "Phụ huynh có đồng ý không?", thầy cô hỏi lớn. Những ánh mắt nhìn nhau thăm dò, rồi vài người giơ tay, đến cả chục người và cuối cùng là đồng ý hết. Biên bản chốt ghi: Phụ huynh thống nhất với các kế hoạch triển khai của nhà trường.

Kết thúc buổi họp bao giờ cũng là cảnh phụ huynh vây chặt bàn giáo viên để đóng tiền...

Làm gì để họp phụ huynh chất lượng?

Tới họp chỉ để nghe thành tích, nghe các khoản thu chi của trường và phải nghe các khoản đóng góp của con thì chẳng bậc phụ huynh, thậm chí là giáo viên, nào lại thích.

Thế nên, muốn tạo cho phụ huynh cảm giác vui, thoải mái khi đi dự buổi họp đầu tiên, chính giáo viên phải có sự nỗ lực, sáng tạo trong cách tổ chức họp. Song song phải thay đổi nội dung họp để không đặt nặng chuyện tiền bạc trong đó.

Tâm lý phụ huynh, buổi họp đầu năm là buổi tiếp xúc đầu tiên của phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm của các con mình. Phụ huynh cũng muốn xem cô thầy của con là người thế nào? Thông qua cuộc trò chuyện thân mật, cả phụ huynh và giáo viên chắc chắn cũng sẽ hiểu thêm về nhau. Điều này khá quan trọng, bởi nó sẽ giúp cho việc hợp tác trong giáo dục được thành công hơn.

Cái bảng thành tích đầy chữ kia, cả những mức thu chi hội phí nhà trường trong năm cần được dán trên bảng tin công khai của trường. Ai thắc mắc hay ai muốn tìm hiểu sẽ đến đấy để đọc.

Vào lớp, thầy cô cần giao lưu thân tình với phụ huynh để tìm hiểu thêm về gia đình các em, về cách dạy con trong gia đình họ.

Giáo viên nên coi dịp họp phụ huynh đầu năm là cơ hội tốt tiếp cận với cha mẹ học sinh để đưa ra phương pháp giáo dục các em sao cho hiệu quả và mong muốn nhận được sự phối hợp ra sao từ phụ huynh.

Cuối cùng mới thông báo đến những khoản tiền cần phải đóng và kêu gọi sự chung tay trên tinh thần tự nguyện của một số phụ huynh có kinh tế khá giả.

Làm thế, những cuộc họp phụ huynh đầu năm sẽ không bị gọi là cuộc họp "tiền đâu", không còn bị nặng nề và không thấy nhàm chán nữa.

Cần bàn tay hiệu trưởng!

Năm nay là năm thứ ba tôi họp phụ huynh cho con, nội dung họp năm nào cũng như năm nào! Đầu tiên thầy chủ nhiệm thông tin về tình hình lớp học, thành tích của trường năm học qua và phương hướng năm học mới. Tiếp đến là các khoản thu đầu năm học. Sau đó là phần ý kiến của phụ huynh, nhưng thường là không ai ý kiến. Và buổi họp kết thúc.

Vì sao phụ huynh không ý kiến? Phụ huynh em N.Đ.T. phân trần: "Muốn nói lắm nhưng nghĩ lại ý kiến của mình cũng không không thay đổi được gì, vì tất cả nhà trường đã quyết rồi, mình có ý kiến cũng vậy thôi, thầy chủ nhiệm đâu có chức năng quyền hạn giải quyết, chưa kể có khi thầy để ý con mình thì không hay".

Không biết nhà trường, thầy cô có biết rằng họp phụ huynh, cái chúng tôi cần nghe là những biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường, việc chăm sóc, bảo vệ giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo, vận động học sinh bỏ học trở lại trường… chứ không phải chuyện tiền nong.

Chúng tôi cũng rất muốn đóng góp ý kiến với nhà trường mỗi khi họp để hai bên phối hợp tốt trong việc dạy các con, tuy nhiên với cách tổ chức họp phụ huynh như hiện nay, mong muốn này có vẻ xa vời.

Theo tôi, các trường cần thay đổi hình thức lẫn nội dung họp phụ huynh để có chất lượng hơn. Tôi đề nghị thay thế việc họp riêng từng lớp do giáo viên chủ nhiệm chủ trì như hiện nay bằng cuộc đối thoại giữa phụ huynh và hiệu trưởng - người có trách nhiệm cao nhất.

Nếu trường đông phụ huynh, có nhiều khối lớp thì nên thực hiện đối thoại theo khối lớp. Thầy hiệu trưởng sẽ vất vả hơn, tốn thời gian nhưng tin rằng sẽ hiệu quả hơn.

Sau các buổi đối thoại này, nhà trường thông báo đến phụ huynh trên bảng tin, trang web của trường hoặc sổ liên lạc học sinh. Tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ có tác dụng đến chất lượng họp phụ huynh.

Theo Tuổi trẻ