Việc làm cho người cao tuổi

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:59, 01/10/2019

Người cao tuổi có quyền tham gia lao động và cống hiến. Khi người cao tuổi làm việc, họ sẽ tự chủ về kinh tế, ít phụ thuộc vào con cái và không còn bị coi là gánh nặng của quốc gia.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng”, bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số. Không ít người già cần được chăm sóc tốt về sức khỏe, tinh thần và mong muốn được tiếp tục làm việc cho đến khi còn có thể.

Nhiều người cho rằng khi đến tuổi nghỉ hưu thì được nghỉ ngơi, vui chơi, lo chăm sóc bản thân và con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mình. Quan niệm này hiện đã thay đổi. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, trên các cánh đồng hay trong nhà máy vẫn thấy những người 60-70 tuổi lao động. Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng những lao động tuổi cao vào làm việc. Từ năm 1986 đến nay, Chính phủ nước này đã xây dựng hơn 1.000 trung tâm giới thiệu việc làm cho người cao tuổi (NCT). Trung tâm chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ những NCT đăng ký tìm việc. Nhiệm vụ của các trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, giờ làm việc ngắn cho những NCT và có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm cho họ.

Ở Hải Dương hiện nay, trong một số doanh nghiệp dù nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được mời ở lại làm cố vấn hoặc tiếp tục giữ các vị trí phù hợp. Doanh nghiệp mời họ ở lại với mong muốn truyền lại kinh nghiệm, tri thức cho những người trẻ đến làm việc sau. Cách làm này khá phổ biến ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng ở các cơ quan nhà nước thì rất hiếm.

Có tuổi không đồng nghĩa với việc sống phụ thuộc và vô dụng. Nhiều NCT có tri thức, dày dặn kinh nghiệm trong công việc, còn khỏe mạnh vẫn mong muốn được làm việc. Với họ, làm việc không chỉ để sống không phụ thuộc kinh tế vào con cái mà còn là niềm vui, được rèn luyện sức khỏe khi về già. Trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT năm 2019 được UBND tỉnh ban hành đầu năm nay có một chỉ tiêu rất cụ thể là phấn đấu trong năm có từ 30- 40% số NCT có điều kiện trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh, được vay vốn. Điều này cũng có nghĩa tỉnh khuyến khích NCT tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội. Do đó, trước hết cần xây dựng được một môi trường lao động với những ngành nghề phù hợp với họ. Không ít những nghề truyền thống phù hợp với NCT như sản xuất gốm, thêu ren, làm bánh đậu xanh… NCT hoàn toàn có thể đảm nhận những khâu đơn giản trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm này. Để NCT sẵn sàng vào làm việc cũng cần có chính sách cởi mở của các doanh nghiệp trong tuyển dụng. Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu mở thêm sàn giao dịch việc làm cho NCT, giúp họ có thể tiếp cận, lựa chọn được nghề phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của mình. Các cấp Hội NCT cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối, xây dựng mô hình lao động, sản xuất cho hội viên. Hội có thể tham gia liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho người già có thể nhận việc về nhà làm, xây dựng các nhà xưởng, HTX sản xuất dành riêng cho những NCT, hỗ trợ họ khởi nghiệp…

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy về tạo việc làm cho NCT. Họ có quyền tham gia lao động và cống hiến. Khi NCT làm việc, họ sẽ tự chủ về kinh tế, ít phụ thuộc vào con cái và không còn bị coi là gánh nặng của quốc gia.

MINH MINH (Gia Lộc)