Tin tưởng không còn chỗ cho chạy chức, chạy quyền
Tin tức - Ngày đăng : 13:55, 01/10/2019
Cử tri, nhân dân trong tỉnh đánh giá cao công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian qua và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền
Lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong Quy định 205-QĐ/TW do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ngày 23.9. Quy định trên đã góp phần củng cố niềm tin, được cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh trước thềm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ở các huyện Bình Giang, Kinh Môn ngày 25.9, nhiều cử tri đã bày tỏ sự đồng tình cao với quy định.
Cử tri đánh giá cao công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian qua. Không ít quan tham đã bị xử lý kỷ luật có một phần nguyên nhân từ công tác cán bộ, từ hệ lụy chạy chức, chạy quyền.
Cử tri dẫn chứng nhiều vụ việc có biểu hiện chạy chức, chạy quyền trong thời gian qua. Ngay trong tỉnh, mối quan hệ thân thích, ruột rà của nhiều lãnh đạo huyện Kim Thành thời gian trước đã được báo chí, dư luận chất vấn.
Trong cả nước, đã có không ít cán bộ bị xử lý kỷ luật do không đủ năng lực, phẩm chất, do tham ô, tham nhũng và liên quan đến chạy chức, chạy quyền...
Cùng với tán thành cao các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, cử tri nhiều địa phương trong tỉnh bày tỏ mong muốn Đại hội Đảng bộ các cấp tới đây sẽ là minh chứng cụ thể cho việc mạnh tay với vấn nạn này.
Với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (Ninh Giang) Vũ Văn Dương, chất lượng cán bộ chính là mối quan tâm hàng đầu trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.
Vạn Phúc từng có một số cán bộ xã bị kỷ luật do phạm pháp. Đồng chí Dương được luân chuyển từ huyện về xã và đồng thời đảm nhiệm cả 2 chức danh chủ chốt. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ lựa chọn cán bộ đủ năng lực từ thôn, xã trở nên đặc biệt quan trọng với Vạn Phúc.
Nói về quy định mới của Bộ Chính trị về chống chạy chức, chạy quyền, đồng chí Vũ Văn Dương cho rằng ở cơ sở vấn nạn này có thể chưa rõ nét, không tinh vi, nhưng không thể vì thế mà lơ là.
Theo đồng chí chỉ có công khai, minh bạch, thống nhất vì mục tiêu duy nhất "tìm người để làm việc" thì mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mặt khác, tương tự như việc từng xử lý cán bộ xã vi phạm, phải nghiêm minh trong thực hiện quy định của Bộ Chính trị mới mong củng cố, xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Dương Nguyễn Việt Dũng đánh giá quy định của Bộ Chính trị lần này là định hướng hết sức cần thiết để bảo đảm cho công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp thành công.
Theo đồng chí, quy định này của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, nhận diện chính xác, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền, các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đây sẽ chính là công cụ kiểm soát chặt chẽ các nhân tố ảnh hưởng, có khả năng chi phối đến công tác cán bộ.
Là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ thực hiện công tác cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ sớm tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy quán triệt, triển khai quy định này trong thời gian sớm nhất để phục vụ cho Đại hội Đảng bộ các cấp.
Đã dành thời gian nghiên cứu quy định mới của Bộ Chính trị, bà Phạm Thị Sử, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Sách khẳng định trong bối cảnh hiện nay, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về chống chạy chức, chạy quyền là rất đúng, rất trúng.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quy định rất cụ thể về các biểu hiện chạy chức, chạy quyền; hình thức xử lý kỷ luật khi phát hiện việc chạy chức, chạy quyền; không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương...
Bà rất đồng tình với các quy định mạnh trong xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền. Những đảng viên chạy chức, chạy quyền có thể bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc. Vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xem xét, xử lý chứ không được giữ lại để xử lý hành chính. Nếu quy định này được thực hiện nghiêm thì sẽ không còn cánh cửa cho nạn chạy chức, chạy quyền.
Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân bày tỏ tin tưởng Quy định 205 sẽ là biện pháp hữu hiệu để lựa chọn, sàng lọc cán bộ, đảng viên, nhất là nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
PV