Thẩm định sách giáo khoa: Cần căn cứ chuẩn tối thiểu chương trình mới

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:50, 01/10/2019

Theo các chuyên gia, việc thẩm định sách giáo khoa cần căn cứ vào chuẩn tối thiểu của chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể soi chiều vào việc sửa ít hay nhiều...

>> Bài 1: Tranh luận về thẩm định sách giáo khoa công nghệ lớp 1



Trước nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc thẩm định sách giáo khoa, các chuyên gia cho rằng, việc kết luận sách đạt hay không đạt không thể căn cứ việc sách sửa ít hay nhiều, mới hay cũ, khó hay dễ, mà phải căn cứ vào chuẩn tối thiểu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Cốt lõi vấn đề là sách phải phù hợp quan điểm giáo dục mới

Tôi nhận những thông tin sách công nghệ giáo dục bị loại một cách bình thường. Bất kỳ một vấn đề nào đó trong xã hội khi đưa ra đều sẽ nhận những ý kiến khác nhau.

Tất nhiên trường hợp này cũng có những điểm đặc biệt riêng. Bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại được biên soạn trên một quan điểm giáo dục riêng và đã được thực hiện trong suốt 40 năm, có một khối lượng giáo viên, học sinh rất lớn và đạt được kết quả tốt.

Tuy nhiên, hiện tại hội đồng thẩm định sách giáo khoa không thông qua bộ sách này có nghĩa người ta đã chọn được giải pháp thích hợp hơn. Khi đó, chúng ta cảm thấy trong dòng chảy lịch sử, đó cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ kết luận của hội đồng thẩm định là khách quan.

Chúng ta cần quay lại cốt lõi của vấn đề, các bộ sách giáo khoa đưa vào chương trình mới có phù hợp với quan điểm giáo dục và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, giới chuyên môn không?

Chúng ta không nên băn khoăn việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng chương trình mới và có tính khả thi hay không.

Tôi nghĩ đánh giá bộ sách giáo khoa là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan. Chúng ta khuyến khích một chương trình có nhiều bộ sách, để người dạy và người học có quyền dễ dàng lựa chọn bộ sách phù hợp.

Trong quá trình thực thi sẽ bộc lộ những ưu và khuyết điểm, còn đánh giá của hội đồng thẩm định có thể chưa phải là đáp án cuối cùng. Bộ sách lớp 1 nằm trong tổng thể hệ thống 12 năm. Chúng ta quan tâm đến đầu ra chuẩn lớp 1 của các cháu ra sao, phải nhận diện được chữ cái, ghép được vần, đọc văn bản ngắn… Các nhà biên soạn phải căn cứ xem khối lượng, dung lượng kiến thức trong thời gian học để không bị chồng chéo lên nhau.

Tôi nghĩ rằng sự phản ứng và ý kiến trái chiều của dư luận cũng là việc bình thường và chúng ta nên đón nhận nó một cách tích cực. Đây là điều đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng vào vấn đề hệ trọng của giáo dục. Nếu không có ý kiến tranh luận trao đổi cũng là điều đáng tiếc, không phù hợp với quy luật phát triển.


Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Sách phải đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới

Khi nghe thông tin sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục bị loại tôi khá ngạc nhiên, bởi vì hai cuốn sách là công trình nghiên cứu cả cuộc đời của một nhà khoa học rất có uy tín. Sách này đã có quá trình vận hành thực tiễn ở các mức độ khác nhau, trong các giai đoạn khác nhau hơn 40 năm. Thực tế, bộ sách cũng đã nhận được sự đánh giá tốt từ các địa phương, phụ huynh học sinh, thầy cô giáo.

Theo tôi, đúng là trong quá trình thẩm định một vấn đề liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi, tác động với xã hội, đối tượng bị điều chỉnh là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, tôi cũng rất tôn trọng quyết định của hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia. Tôi nghĩ đây là một mâu thuẫn hiển nhiên bởi vì hội đồng hiện nay làm việc theo Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức thẩm định sách giáo khoa đáp ứng chương tình phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình mới khác cơ bản về cách tiếp cận, cách thức thể hiện chương trình cũng như nội dung cơ bản so với theo chương trình và sách giáo khoa cũ.

Ở đây, phải giải quyết 2 vấn đề, một là bộ sách được triển khai khá rộng và quá trình triển khai lâu dài được thực tế ghi nhận, nhưng mặt khác, nếu được lựa chọn, sách phải đáp ứng được chương trình mới.

Chương trình đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, ban hành nội dung qua Thông tư 32, tiêu chí thẩm định sách qua Thông tư 33. Điều kiện cần là các bộ sách phải đáp ứng các văn bản này, điều kiện đủ là sách giáo khoa khi đã được biên soạn theo tinh thần Nghị quyết 88 thì phải được thực nghiệm, giảng dạy trong thực tế, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học.


Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào

Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, Trung tâm Công nghệ giáo dục, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Thẩm định sách phải linh hoạt, căn cứ vào chuẩn chương trình tối thiểu

Giai đoạn từ 1986 đến trước năm 2000, tôi làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cả nước cũng có 4 bộ sách khác nhau, còn được gọi là 4 chương trình.

Có chương trình 165 tuần là chương trình cải cách thực hiện từ năm 1981, nhưng sau đó không thành công nên có thêm các chương trình mới. Có chương trình chỉ 100 tuần dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người không có điều kiện đến trường một cách thường xuyên và học bài bản, có thể học ở các lớp tình thương. Ngoài ra, có chương trình 120 tuần dành cho học sinh miền núi và chương trình công nghệ giáo dục.

Khi đó chúng tôi xây dựng chuẩn kiến thức kỹ năng và các sách giáo khoa này đều phải đáp ứng tiêu chuẩn đó, như mức tối thiểu. Mục tiêu và chuẩn thống nhất nhưng đa dạng hóa tài liệu học tập, phương thức tổ chức để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh ở từng hoàn cảnh, từng địa phương. Vì thế, năm 2000 Việt Nam đạt phổ cập giáo dục xóa mù chữ, là một thành tựu lớn.

Khi đó, chúng tôi cũng có thẩm định sách giáo khoa nhưng với tinh thần linh hoạt như trên, không cứng nhắc. Yêu cầu đặt ra là sách phải đáp ứng chuẩn yêu cầu tối thiểu, còn nội dung giữa các bộ sách có thể chênh nhau về khối lượng kiến thức, mức độ khó-dễ. Phải đa dạng hóa sách giáo khoa, phương pháp dạy để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, có đối tượng chỉ dạy ở mức thấp, có đối tượng có thể dạy ở mức cao hơn.

Tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này cũng là hướng đến cá nhân hóa người học, một chương trình mở để phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh. Vì thế, sách có đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới hay không phải so với chuẩn tối thiểu của chương trình, không thể căn cứ vào sửa hay không sửa, sửa nhiều hay sửa ít, cũng không nên cứng nhắc, rập khuôn về mặt từ ngữ.

Thực tế đã cho thấy, trong hai lần thay đổi sách, chương trình năm 1981 và năm 2000, sách công nghệ giáo dục đều không được sử dụng từ đầu, nhưng sau khi cải cách thất bại thì đều phải nhờ đến sách công nghệ giáo dục làm cứu cánh.

Giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp một: Đánh giá sách theo yêu cầu cần đạt của chương trình mới

Tôi cho rằng, nói sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng và sử dụng tốt thì cũng giống như sách lớp một hiện hành, vẫn được sử dụng tốt 20 năm qua. Tuy nhiên, bây giờ, sách phải soạn theo chương trình mới nên sách của thầy Đại và các sách hiện hành đều phải được viết lại theo chương trình mới.

Với tính chất như thế, việc thực hiện và kết quả thực hiện từ lâu nay không phải là lý do để các sách đã sử dụng có thể đưa vào chương trình mới. Ở đây, chúng tôi làm việc theo Thông tư 33, đánh giá sách viết theo nội dung, phương pháp và yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. So với chương trình đó, những sách nào không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp thì chúng tôi đánh giá là chưa đạt.


Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Hội đồng thẩm định đã công tâm, khách quan

Trước hết, phải thống nhất chúng ta đang thực hiện giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy, tất cả các tài liệu, sách giáo khoa đều phải thực hiện theo chương trình mới. Việc thẩm định sách dựa trên 2 thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư 33 quy định các điều kiện tiêu chuẩn về sách giáo khoa thực hiện chương trình giáo dục mới, Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong Thông tư 33 và sau này có quy định tại Điều 32, Luật giáo dục sửa đổi năm 2019, quy định rất rõ tiêu chí, tiêu chuẩn của sách giáo khoa, trong đó có những điều kiện tiên quyết và nếu bản thảo sách giáo khoa không đáp ứng các điều kiện tiên quyết đó thì bản thảo sẽ bị đánh giá không đạt. Bản thảo sẽ phải chỉnh sửa để thẩm định lại từ đầu nếu tác giả và nhà xuất bản đề nghị thẩm định lại.

Các bản thảo sách giáo khoa khi đề nghị thẩm định đều phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của các Thông tư này. Theo đó, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại không đáp ứng các điều kiện tiên quyết nên bị đánh giá không đạt, có 300 nội dung cần sửa chữa để đáp ứng chương trình mới.

Vì thế, hội đồng và giáo sư Hồ Ngọc Đại cần có những thống nhất và tôn trọng để chúng ta có bộ tài liệu đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới cũng như theo quy định của pháp luật.

Theo Vietnam+


Bài 3: Thẩm định sách giáo khoa: Kinh nghiệm từ Nhật Bản