Đủ kiểu bớt xén thu nhập của công nhân
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 18:00, 01/10/2019
Công nhân Công ty TNHH NamYang Delta đình công để phản đối một số chính sách của doanh nghiệp, trong đó có việc khấu trừ tiền chuyên cần không hợp lý
Quy định khắt khe
Trong năm nay, tổ chức Oxfam Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện đề tài "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy". Nghiên cứu này tiến hành ở nhiều DN may mặc trên cả nước. Kết quả cho thấy có rất nhiều quy tắc nội bộ của công ty, nếu công nhân vi phạm sẽ bị khấu trừ thu nhập. Những quy định này thường tập trung vào các vấn đề như nghỉ làm (kể cả có cắt phép theo quy định) cũng bị trừ tiền chuyên cần, trừ tiền sản phẩm lỗi dù do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, đi muộn, quên quẹt thẻ chấm công, khống chế thời gian nhận tiền thưởng cuối năm...
Cũng theo nghiên cứu này, tiền chuyên cần của công nhân là khoản tiền các DN đe dọa bớt xén nhiều nhất. Hầu như khi đi tuyển dụng, bất kỳ DN nào cũng cộng số tiền này vào thông báo tổng thu nhập của công nhân đạt được khi làm việc tại công ty. Có DN còn chi mức tiền này lên đến cả triệu đồng/người/tháng. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào công nhân cũng nhận được đầy đủ số tiền này.
Hải Dương không phải ngoại lệ. Cuối tháng 8 vừa qua, khoảng 2.000 công nhân Công ty TNHH NamYang Delta ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) tổ chức đình công. Công nhân không chấp nhận cách tính trừ tiền chuyên cần của DN này. Công ty quyết định chi mức tiền chuyên cần hằng tháng cho công nhân làm đủ công theo quy định là 300.000 đồng/người. Kèm theo đó là quy định công nhân nghỉ từ 1 đến dưới 2 ngày làm việc (kể cả nghỉ phép) sẽ bị trừ 50% số tiền chuyên cần, công nhân nghỉ từ 2 ngày làm việc trở lên bị trừ 100%. Đa số NLĐ cho rằng với quy định này thì rất ít người có thể đạt được tối đa số tiền chuyên cần.
Vì quy định thưởng, phạt đều do DN đưa ra nên họ “nắm đằng chuôi”. Công ty TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) có quy định về mức thưởng lương tháng thứ 13 hằng năm. Nhưng số tiền này công nhân chỉ được nhận nếu làm hết tháng 3 của năm làm việc tiếp theo. Như vậy, nếu công nhân nghỉ việc sau Tết dù với bất cứ lý do chính đáng nào cũng không nhận được số tiền thưởng này.
Trốn trách nhiệm
Không chỉ có những khoản tiền "mềm" không thuộc diện quy định của pháp luật mà ngay cả một số chế độ bắt buộc đối với công nhân cũng bị DN tìm cách "lách" để bớt xén. Việc bớt xén này ở những DN có đông công nhân rất lớn.
Việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ cũng dễ bị DN bỏ qua. Theo nghiên cứu của Oxfam Việt Nam và Viện Công nhân và Công đoàn, hầu hết DN được khảo sát chỉ khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ 1 lần/năm để tiết kiệm chi phí (quy định là 2 lần/năm). Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, một số DN trong tỉnh tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ còn mang tính hình thức.
Anh Phạm Văn Bình ở xã Tân Phong (Ninh Giang) đang làm việc cho một công ty tư nhân chuyên chế tạo thiết bị nhôm, kính tại phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết anh đã làm gần 10 năm nay, là một trong số những công nhân có thâm niên cao nhất ở đây. Hiện DN có khoảng 30 công nhân, lao động. Dù là ngành nghề mang yếu tố nguy hiểm, độc hại nhưng công ty lại không hề triển khai khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Thường chỉ đến khi công nhân bị tai nạn thì DN mới hỗ trợ điều trị tùy vào mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Chị H., công nhân Công ty TNHH May Trấn An (TP Hải Dương) cho biết việc khám sức khỏe định kỳ ở công ty nhiều khi không thực chất. Đối với công nhân nữ có mục khám phụ khoa. Nhưng hầu như y, bác sĩ chỉ hỏi công nhân những câu chung chung liên quan đến lĩnh vực này, sau đó ghi vào hồ sơ khám bệnh, coi như xong.
Bộ luật Lao động 2012 có nhiều quy định riêng đối với lao động nữ. Như trong điều 154 có quy định người sử dụng lao động phải giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, ở tỉnh ta hiện có rất ít DN hỗ trợ việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho công nhân. Nhiều DN có hỗ trợ chi phí gửi con cho công nhân nữ nhưng ở mức thấp, có khi chỉ vài chục nghìn đồng/ người/tháng. Số tiền này về thực chất chỉ mang tính hình thức, đối phó.
NGỌC THANH