Học sinh lớp 9 chế tạo máy chuốt cọng lá dừa

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 08:05, 02/10/2019

Em Trần Ngô Toàn, học sinh lớp 9A, Trường THCS Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy chuốt cọng lá dừa".


Em Trần Ngô Toàn và sản phẩm “Máy chuốt cọng lá dừa”

Với mong muốn giúp người dân quê mình nâng cao năng suất lao động, em Trần Ngô Toàn, học sinh lớp 9A, Trường THCS Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy chuốt cọng lá dừa” với cấu tạo đơn giản, năng suất gấp 5 - 6 lần lao động thủ công.

Sản phẩm “Máy chuốt cọng lá dừa” của Trần Ngô Toàn vừa đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (Vifotec 2018 - 2019) và giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ VI (2018-2019).

Phải mất hơn 2 năm manh nha ý tưởng rồi thực nghiệm nhiều lần, “Máy chuốt cọng lá dừa” được em Trần Ngô Toàn hoàn thành, với sự trợ giúp của thầy giáo Định Xuân Tấn, giáo viên Vật lý, Trường THCS Hoài Châu.

Chia sẻ về sáng chế này, em Trần Ngô Toàn cho biết, quê em được mệnh danh là xứ dừa. Ngoài thu hoạch quả dừa, người dân còn tận dụng cọng lá dừa làm những vật dụng như chổi quét, tăm để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, việc chuốt cọng lá dừa thường sử dụng phương pháp thủ công, chuốt bằng tay nên tốn rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo chiếc máy chuốt cọng lá dừa để giúp người dân giảm bớt vất vả, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

Trực tiếp hướng dẫn Toàn thực hiện đề tài, thầy giáo Định Xuân Tấn cho biết: Máy chuốt cọng lá dừa có cấu tạo đơn giản, dễ tháo lắp, kích thước gọn dễ di chuyển. Máy được lắp ráp gồm các trục, khung đỡ cọng dừa, khối gỗ hình trụ, tấm chắn lá dừa, động cơ...

Nguyên lý hoạt động của máy chủ yếu ở bộ phận kéo và bộ phận chuốt, hoạt động theo nguyên tắc truyền và biến chuyển động quay của động cơ thành chuyển động quay của hai khối gỗ hình trụ có dán cao su ở mặt ngoài và ma sát với cọng lá dừa để cọng lá dừa chuyển động tịnh tiến ra ngoài. Khi cho cọng lá dừa vào bộ phận chuốt, qua bộ phận kéo, cọng dừa được chuốt sạch và đưa vào khung chứa ở phía trước máy.

Theo Trần Ngô Toàn, trong quá trình chế tạo máy khó nhất là việc lắp hai bánh răng ăn khớp với nhau và điều chỉnh lưỡi dao chuốt một cách linh động tùy theo kích thước cọng dừa lớn hoặc nhỏ nhưng phải đảm bảo làm sạch cọng dừa.

Thầy Trần Hòa Tuận, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu đánh giá: Máy chuốt cọng lá dừa của em Toàn cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ; nguyên lý hoạt động của máy đơn giản nên có thể sử dụng dễ dàng.

Bên cạnh đó, tác giả đã biết tận dụng vật liệu rẻ tiền hoặc tận dụng phế liệu nên giá thành sản xuất máy thấp, ít tốn điện năng lại cho năng suất cao gấp 5 - 6 lần làm thủ công bằng tay; giá thành chỉ khoảng 2 triệu đồng/máy.

“Nhà trường đang tạo điều kiện tốt nhất để em Trần Ngô Toàn tiếp tục cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện chiếc máy để có thể sản xuất đại trà, ứng dụng thực tế rộng rãi đến với người dân xứ dừa Tam Quan có nhu cầu, giúp họ nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập” - thầy Tuận nói.  

Em Trần Ngô Toàn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến máy tuốt cọng lá dừa với công suất lớn hơn, có thể chuốt được nhiều lá dừa cùng một lúc, nhất là có thể chuốt được lá dừa khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.

Theo TTXVN