Cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội
Công nghiệp - Ngày đăng : 10:24, 02/10/2019
Bộ Chính trị nhấn mạnh phải coi việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Dây truyền sản xuất ô tô Vinfast tại nhà máy ở Hải Phòng
Cơ hội, thách thức đan xen
Từ đầu thế kỷ XXI, thế giới bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp này là sự hợp nhất về mặt công nghệ. Thể hiện khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, CMCN 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-18 tỷ USD mỗi năm.
Tiếp cận CMCN 4.0 ở mức trung bình thấp song Việt Nam cũng có những lợi thế như: Tỷ lệ người dùng CNTT cao, các doanh nghiệp đi đầu về CNTT của Việt Nam có trình độ phát triển không thấp hơn mức trung bình của thế giới; mức độ hội nhập quốc tế cao. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó Việt Nam có độ mở rất lớn trong nỗ lực nắm bắt CMCN 4.0. Một lợi thế khác phải kể đến là Chính phủ quan tâm đặc biệt tới cuộc CMCN 4.0.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cải cách giáo dục và dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới...
Cơ hội, lợi thế là vậy, nhưng Việt Nam cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Trước tiên phải kể đến trình độ lao động Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là lao động có trình độ tay nghề thấp. So với các nước trong khu vực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam thấp hơn nhiều.
Lực lượng lao động qua đào tạo chỉ xấp xỉ 20% trong khi các nước như Singapore là 61,5%, Malaysia là 62%, Philippines là 67%. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ của Việt Nam cũng thấp. Điều này có thể thấy qua tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị xuất khẩu.
Mặt khác, do trình độ lao động và công nghệ đều ở mức thấp nên năng suất lao động của Việt Nam không cao, chỉ bằng 4,4% Singapore, 17,4% Malaysia, 35,2% Thái Lan, 48,5% Philippines (năm 2015).
Vì vậy, nguy cơ mất việc làm do áp dụng những tiến bộ của tự động hóa ở Việt Nam sẽ rất cao. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70% số việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông (da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ…) và 86% trong ngành dệt may có rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc và thiết bị hiện đại trong thập niên 2017-2027.
Đáng lưu ý, năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ lao động Việt Nam cũng ở mức thấp. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 năm 2018 (GCI 4.0 2018), Việt Nam xếp 77/140 quốc gia, nhưng ở trụ cột "Năng lực sáng tạo", Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm. Điều đó cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ lao động Việt Nam hạn chế, trong khi đây lại là yếu tố quyết định trong CMCN 4.0.
Ngoài ra, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCM 4.0 của nước ta vẫn còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp...
Chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0
Để nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Theo đó mục tiêu đề ra là: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến năm 2025 duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung...
Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045; đặc biệt đề ra một số chủ trương, chính sách để cụ thể hóa các mục tiêu đó, đó là:
Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm.
Hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số.
Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm: Triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu đồng bộ, hiện đại...
Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.
Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính-ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo.
Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Theo TTXVN