Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản vẫn chưa hạ nhiệt

Bình luận - Ngày đăng : 10:01, 03/10/2019

Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi số lần kiểm tra phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi Nhật Bản đã đăng dữ liệu so sánh mức phóng xạ của hai nước.

Đây là diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Á này vẫn chưa thể hạ nhiệt, thậm chí còn lan sang nhiều lĩnh vực khác.


Căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản

Từ căng thẳng thương mại…

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu bùng phát ở lĩnh vực thương mại từ ngày 4.7.2019 khi Nhật Bản bắt đầu siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số, gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Đây được coi là cột mốc đánh dấu căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng khi các loại vật liệu trên đều phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn của Hàn Quốc.

Biện pháp này ngay lập tức đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, hay LG Electronics…

Sau đó, chính phủ Nhật Bản ngày 27.8 đã chính thức loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “White List” (Danh sách Trắng) của mình với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc đối với các mặt hàng nhạy cảm còn lỏng lẻo.

Trước đó Hàn Quốc vốn nằm trong “Danh sách Trắng” của Nhật Bản gồm 27 quốc gia không cần qua thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo khi nhập khẩu từ Nhật Bản hơn 1.100 “mặt hàng chiến lược” có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Đối với những quốc gia không thuộc danh sách này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Những động thái trên của Nhật Bản đã gây phản ứng gay gắt ở Hàn Quốc. Hàn Quốc chỉ trích những động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945), song các phán quyết trên cũng đã bị Nhật Bản từ chối.

Hàn Quốc cho rằng hành động trả đũa của Nhật Bản có thể phá hỏng các nguyên tắc thương mại tự do, cũng như ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Để đáp trả, Hàn Quốc ngày 12-8 cũng đã tuyên bố loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của Seoul.

Không những vậy, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22.8 còn tuyên bố chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo (GSOMIA).

GSOMIA vốn là hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự đầu tiên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản kể từ khi Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Phát xít Nhật (1910-1945).

Hiệp ước này được ký tháng 11-2016, nhằm chia sẻ các thông tin nhạy cảm về mối đe dọa do các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Vì vậy, việc Hàn Quốc chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không chỉ gây hại cho hai nước mà còn ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, bởi lâu nay GSOMIA vẫn được coi là đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy sự hợp tác ba bên về an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

…đến tranh cãi môi trường

Không dừng lại ở những tranh cãi về lịch sử và thương mại, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây còn lan sang cả vấn đề môi trường. Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã thông báo sẽ tăng gấp đôi số mẫu và tần suất kiểm tra chất phóng xạ trong một số mặt hàng thực phẩm chế biến và nông sản từ Nhật Bản.

Theo thông báo của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), việc tăng kiểm tra phóng xạ sẽ được thực hiện đối với bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào từng bị phát hiện có hàm lượng phóng xạ lớn và bị trả lại Nhật Bản trong 5 năm qua.

Trong số các mặt hàng bị tăng kiểm tra phóng xạ có hải sản, thực phẩm đã qua chế biến như chocolate, quả việt quất, cà phê và chất phụ gia.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc công khai đề cập đến vấn đề ô nhiễm phóng xạ. Một số nhà lập pháp tại Hàn Quốc còn kêu gọi tẩy chay và ban bố lệnh cấm đi du lịch Nhật Bản do những gì mà họ mô tả là "rủi ro phóng xạ từ Fukushima".

Thời gian gần đây, việc thành phố Fukushima được lựa chọn sẽ là nơi dự kiến diễn ra các trận đấu bóng chày và bóng mềm trong khuôn khổ Thế vận hội Tokyo 2020, dư luận đã lại một lần nữa dấy lên quan ngại về khả năng đảm bảo an toàn cho sự kiện Thế vận hội 2020 mà Tokyo đăng cai.

Đáp trả những động thái trên từ Hàn Quốc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc từ ngày 30.9 đã triển khai cập nhật hằng ngày mức độ phóng xạ tại một số tỉnh thành của cả hai nước.

Theo số liệu ghi nhận được cho thấy mức độ phóng xạ ở các thành phố của Nhật Bản và các thành phố tại Hàn Quốc khá tương đồng. Vào trưa 30-9, mức độ phóng xạ ở TP Fukushima của Nhật Bản là 0,135 microsieift/giờ, trong khi ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc là 0,120 microsieift.

Mức độ phóng xạ ở thành phố Iwaki thuộc tỉnh Fukushima-cách nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi 30km-là 0,060 microsieift, trong khi ở Tokyo-cách nhà máy Fukushima Daiichi hơn 200 km - là 0,036 microsieift.

Những dữ liệu này do các cơ quan giám sát bức xạ ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các cơ quan hữu quan ở tỉnh Fukushima đo đạc.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc cho biết, hoạt động phổ biến cập nhật mức độ phóng xạ nêu trên được thực hiện trong bối cảnh "sự quan tâm đến mức độ phóng xạ ở Nhật Bản gần đây đang gia tăng, đặc biệt là ở Hàn Quốc".

Thông báo bằng cả tiếng Nhật và tiếng Hàn trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản nêu rõ: "Chính phủ Nhật Bản hy vọng người dân Hàn Quốc sẽ hiểu rõ hơn về mức độ phóng xạ tại Nhật Bản, khi chúng tôi liên tục cung cấp thông tin chính xác dựa trên bằng chứng khoa học và giải thích đầy đủ một cách rõ ràng".

Đại sứ quán Nhật Bản còn nhấn mạnh  rằng “chính phủ Nhật Bản chủ trương duy trì cung cấp thông tin chính xác dựa trên bằng chứng khoa học. Chúng tôi hy vọng rằng người dân Hàn Quốc sẽ hiểu rõ hơn về mức độ phóng xạ của Nhật Bản”.

Có thể thấy, mặc dù vấn đề về ô nhiễm phóng xạ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, song dường như những căng thẳng giữa hai nước đang bị đẩy lan sang cả vấn đề môi trường.

…và văn hóa

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nhật Bản-Hàn Quốc còn tiếp tục dậy sóng gần đây liên quan đến quyết định của Nhật Bản cho phép người dân sử dụng lá cờ thời đế quốc trong dịp Olympic Tokyo 2020 tới đây. Ban tổ chức Olympic Tokyo cho rằng hình cờ này đã được dùng rộng rãi tại Nhật Bản.

Hình cờ trước đây được cho là cũng gần giống quốc kỳ Nhật Bản hiện nay, cùng có một hình tròn đỏ ở giữa tượng trưng cho Mặt Trời, song điểm khác là cờ trước đây có những tia nắng  tỏa ra xung quanh tượng trưng cho đất nước Mặt Trời mọc.

Tuy nhiên động thái trên của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc coi lá cờ này là biểu tượng quân phiệt của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX.

Lá cờ trên từng được người Nhật dùng khi xâm lược, chiếm đóng Đông Á và trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nên nó bị coi là mang tính xúc phạm tại Hàn Quốc và Trung Quốc, những nơi mà nó bị cho là gợi nhớ đến chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản.

Do đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra tuyên bố kêu gọi Tokyo rút lại quan điểm như vậy, cho rằng lá cờ có thể biến sự kiện thể thao này thành công cụ truyền bá thông điệp chính trị.

Cuối tháng 8 vừa qua, các quan chức của Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc đã tới thủ đô Tokyo để gặp gỡ những người đồng cấp Nhật Bản nhằm đề nghị Tokyo thay đổi lập trường.

Ngày 30.9, Quốc hội Hàn Quốc còn  thông qua nghị quyết hối thúc Nhật Bản ban hành lệnh cấm lá cờ thời đế quốc trong dịp Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, đến nay phía Nhật Bản dường như đã từ chối yêu cầu của Hàn Quốc và vẫn bảo lưu quyết định của mình.

Có thể thấy rõ, từ những khúc mắc trong lịch sử chưa được giải quyết thỏa đáng, giờ đây những tranh cãi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã kéo sang cả những lĩnh vực khác như thương mại, an ninh, thể thao, văn hóa…

Các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia này đã và đang có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của châu Á nói riêng và thế giới nói chung, nếu không sớm được giải quyết, những căng thẳng trên không chỉ gây ảnh hưởng đến hai nước mà còn tác động đến toàn cầu.

Theo TTXVN