Xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm trái phép
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:15, 04/10/2019
Đọc bài “TP Hải Dương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trái phép” đăng trên báo Hải Dương ngày 27.9, tôi cũng như nhiều người thấy như được giải tỏa. Vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) trái phép đã và đang làm khổ học sinh, gây khó xử cho nhiều phụ huynh và bức xúc trong dư luận nhiều năm qua.
Tôi rất vui mừng và hoan nghênh những việc làm kiên quyết và nghiêm khắc của TP Hải Dương. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng DTHT trái phép. Đây là việc làm đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhiều phụ huynh, học sinh.
Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 10.9.2013 của UBND tỉnh nêu rõ không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tuyệt đối không tổ chức DTHT đối với học sinh tiểu học đã được học 2 buổi/ngày, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Các cơ sở DTHT phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được tổ chức dạy.
Quy định như vậy nhưng thực tế tôi thấy DTHT trái phép còn diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau.
Việc quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng các trường, nêu cao vai trò giám sát của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục và gia đình học sinh trong phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm DTHT như cách làm của thành phố rất cần thiết, cần được nhiều địa phương khác học hỏi và thực hiện.
Nhưng để giải quyết triệt để việc DTHT, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các trường thì ý thức, trách nhiệm và tính tự giác của từng giáo viên cũng cần được nâng cao. Nếu bản thân mỗi giáo viên gương mẫu, tự giác chấp hành quy định thì tình trạng DTHT trái phép sẽ không còn xuất hiện.
Trên thực tế, ít trường nào tổ chức DTHT trái phép mà chủ yếu do từng giáo viên tự thực hiện. Nhiều phụ huynh không muốn con đã đi học 2 buổi/ngày cả tuần, đến cuối tuần lại học thêm, rất phản khoa học đối với lứa tuổi của con trẻ.
Ở tuổi này, trẻ phải được tham gia các hoạt động khác ngoài học kiến thức. Thẳng thắn mà nói một số giáo viên vì mục đích cá nhân đã gây khó dễ cho các em trong quá trình học, nhất là những em không tham gia học thêm.
Đây chính là lý do mà nhiều phụ huynh dù không muốn cho con đi học thêm nhưng sợ con mình bị thiệt thòi nên miễn cưỡng phải cho con đi học. Tâm lý "ngại cô" hiện nay khá phổ biến nên hầu hết phụ huynh đều làm theo ý thầy cô giáo và nhà trường mà không có phản ứng lại.
Thời gian qua, vai trò trong phát hiện, phối hợp xử lý việc DTHT trái phép của các địa phương rất mờ nhạt.
Theo tôi, việc phát hiện các trường, các thầy giáo, cô giáo dạy thêm trái phép không khó, chỉ cần chính quyền các cấp và lãnh đạo các trường chú ý giám sát. Khi phát hiện dạy thêm trái phép cần xử lý nghiêm khắc, thậm chí cho thôi việc. Chỉ có xử lý nghiêm như vậy mới chấm dứt được vấn đề nan giải này.
PHẠM XUÂN THÔNG(Gia Lộc)