Tiết học ngập sắc vàng khiến trẻ em phố thị khát khao

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:10, 04/10/2019

Trong bài học tả cảnh cánh đồng quê hương đang bước vào mùa gặt, cô Phạm Thị Diệu đã cho 33 học sinh của mình đi thực tế trên cánh đồng lúc chín.
Học trò ngồi lắng nghe cô giảng và ghi chép bên cánh đồng lúa chín vàng

Đây là hình ảnh trong tiết học ôn luyện làm văn cho học sinh của cô và trò Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu).

Cô giáo Phạm Thị Diệu cho biết, học sinh ở miền núi rất ngoan, cuộc sống của các em cũng thường gần gũi với cây lúa, tuy nhiên lại hạn chế về vốn tiếng Việt, vì vậy, cô thường xuyên cho các em tăng cường quan sát trực tiếp, qua đó giảng giải để các em hiểu hơn.

Cô Diệu đang giảng giải cho học trò về cánh đồng lúa

Cô Diệu chia sẻ: “Thực sự đối với cô trò chúng tôi, buổi học thật lý thú và bổ ích, giúp các em viết được bài văn tả cánh đồng lúa một cách chân thực nhất. Đây cũng là cách tôi thường sử dụng trong hướng dẫn học sinh quan sát, lập dàn ý để viết bài văn tả cảnh đạt hiệu quả tốt nhất”.

Những bức ảnh này do chính học sinh trong lớp của cô Diệu chụp lại. Vì vậy, đối với cô đây là những bức ảnh rất đẹp

Học trò miền núi, gia cảnh còn nhiều khó khăn, nhiều em đi học không có mũ, vì vậy, cô Diệu đã quyết định để đầu trần như các em. “Học sinh vùng cao chúng tôi rạn rày với nắng gió núi rồi”, cô Diệu chia sẻ thêm.

Buổi học của cô và trò nhận được nhiều lời khen của cộng đồng mạng. Chị Hà Mai nhận xét: “Quá tuyệt vời! Không chỉ cảnh mà còn cả cô và trò đều đẹp”. Facebook Bằng Lăng Tím cũng yêu thích: "Tuyệt quá! Nếu giờ học về cảnh thiên nhiên mà học sinh đều được trải nghiệm thế này thì hiệu quả rất cao".

Chị Ngọc Phấn cho rằng: “Tự nhiên thấy tội nghiệp mấy bé ở thành phố. Như con tôi học tới bài Tre Việt Nam thì chỉ biết hỏi mẹ “Cây tre là cây gì?”. May mà mẹ con xuất thân là con nhà nông nên biết để giải thích cho con. Nhiều lúc làm văn mà các con chỉ được nhìn hình ảnh và tưởng tượng, chứ đâu có được thấy tận mắt, sờ tận tay”.

Cứ mỗi dịp có điều kiện, cô Diệu lại cho học sinh đi quan sát thực tế, lấy tư liệu cũng như chất liệu cảm xúc để viết văn

Nói về việc không được thấy tận mắt, cô Diệu cũng phải công nhận học sinh miền núi vẫn còn những thiệt thòi. Vùng cao có núi rừng, cây cối, nhưng không có biển. Các em vẫn phải xem tranh ảnh, tài liệu và lời giải thích của cô, còn việc đi thực tế thì vẫn còn là vấn đề khó khăn.

Theo Vietnamnet