Quan hệ Việt Nam-Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển

Tin tức - Ngày đăng : 04:39, 05/10/2019

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến 5.10.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời. Nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen chiều 4.10

Nền tảng vững chắc

52 năm trước, ngày 24.6.1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, hai nước luôn kề vai sát cánh trong các giai đoạn lịch sử của mỗi nước.

Khi tập đoàn Pol Pot tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc ở Campuchia, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đồng thời cũng thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7.1.1979 của Cách mạng Campuchia.

Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước được tôi luyện qua những năm đấu tranh đã tạo nên nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai tiếp theo. Trong những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã không ngừng vun đắp quan hệ song phương phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao. Gần đây nhất về phía Việt Nam có: chuyến thăm cấp Nhà nước Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (tháng 2.2019); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự APPF 27 (tháng 1.2019) tại Campuchia; chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4.2017).

Về phía Campuchia có: chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (tháng 12-2018), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin (tháng 5-2019)... Qua các chuyến thăm, Lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong những năm qua, các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngày 21-8-2019, hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia tại Phnom Penh, Campuchia với việc ký Biên bản Thỏa thuận các nội dung, chương trình hợp tác cụ thể trong 28 lĩnh vực.

Cùng với đó, ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Campuchia cũng được tăng cường. Nổi bật là những hoạt động tích cực của Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy sự gắn kết giữa hai dân tộc láng giềng. Ngoài ra, các địa phương của hai nước cũng đã tạo lập mối quan hệ gắn bó, nhất là với những tỉnh giáp biên giới.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước luôn đẩy mạnh hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và quốc tế như ASEAN, Ủy hội sông Mê Công (MRC), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (WEC), Chiến lược hợp tác ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECs), Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc (UN)...

Thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực

Những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực. Trong đó, thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có bước phát triển mạnh.

Về hợp tác thương mại, nếu trong những năm từ 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 130-150 triệu USD/năm, thì từ năm 2005-2009, kim ngạch thương mại hai nước tăng trung bình khoảng 30-40%/năm.

Giai đoạn 2010-2015 có giảm so với giai đoạn trước với mức tăng khoảng 18,5%, nhưng giá trị cụ thể đạt cao. Năm 2016, đạt 3 tỷ USD; năm 2017 đạt 3,8 tỷ USD và năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD; 8 tháng năm 2019 đạt hơn 3 tỷ USD. Hai bên đang phấn đấu sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3 tỷ USD (tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp), đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia được Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo Campuchia đánh giá cao, đóng góp tích cực vào an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của quốc gia này. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tiến triển tích cực với 22 dự án, tổng vốn đầu tư trên 63,7 triệu USD (lũy kế đến 20.9.2019).

Bên cạnh hợp tác thương mại, đầu tư, trong những năm gần đây, hợp tác du lịch trở thành lĩnh vực thu hút nhiều nguồn đầu tư và nhân lực, được nhà nước và chính phủ hai bên quan tâm.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nước có lượng du khách lớn nhất tại Campuchia. Năm 2018, với trên 835.000 lượt du khách, Việt Nam là nguồn khách du lịch lớn thứ hai đến Campuchia (sau Trung Quốc).

Cuối tháng 2.2019, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Bộ Du lịch Campuchia đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2019-2021. Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác khoảng 10 chuyến bay mỗi ngày từ thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi Phnom Penh và Siem Reap của nước bạn Campuchia.

Trong những năm qua, hai bên đã đẩy mạnh kết nối về kinh tế, giao thông nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi nước, điển hình là việc ký Thỏa thuận khung về kết nối hai nền kinh tế tháng 7.2017; hoàn tất đàm phán Bản Ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2030; khánh thành cây cầu biên giới Long Bình (An Giang)-Chrey Thom (Kandal) vào tháng 4.2017 và thông xe vận tải tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai)-Ôdađao (Rattanakiri) tháng 7.2017.

Ngoài ra, hàng năm, Việt Nam tiếp tục dành hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam; hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước cũng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy thông qua trao đổi đoàn.

Bên cạnh đó, hợp tác an ninh-quốc phòng được tăng cường. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia; tiếp tục khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch sử dụng lãnh thổ nước này chống phá an ninh, ổn định của nước kia.

Quyết tâm sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.245 km (tính từ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia đến sát mép biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia.

Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam-Campuchia đã tiến hành nhiều đợt đàm phán, ký kết được nhiều văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, bảo vệ an ninh biên giới, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống của nhân dân hai bên khu vực biên giới.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27-12-1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10-10-2005.

Trên cơ sở hai Hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986. Tính đến tháng 12.2018, hai bên đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc. Đến tháng 9.2019, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới trên thực địa và lập hồ sơ khoảng 1.045km đường biên giới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sẽ tham dự Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019 và Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được cho đến nay, vào ngày 5.10 tại Hà Nội.

Theo TTXVN