Mối tình câm

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:31, 06/10/2019

Sau buổi gặp gỡ bất chợt ấy, cứ vài ngày hai người lại ngồi bên nhau ở quán cà phê ế khách...



Hải và Loan là đôi bạn thân từ thuở còn để chỏm. Hải là con trai duy nhất của ông chủ tịch xã. Còn Loan là con gái một người đàn bà nghèo, không chồng. Hai nhà cách nhau chừng dăm chục mét, đi chung một ngõ. Năm hai người lên cấp 3, ông chủ tịch thưởng ngay cho con trai chiếc xe đạp mifa. Ngày ấy cái xe đạp là cả một gia tài lớn mà không phải gia đình nào cũng có. Dẫu hoàn cảnh mỗi nhà khác nhau một trời một vực nhưng hai đứa vẫn chơi thân với nhau. Chính vì vậy mà hai người chịu bao lời xầm xì của bạn bè. Nhất là khi nàng trổ mã, xinh đẹp như bông hoa hàm tiếu. Biết bao chàng trai từ làng đến phố huyện vây quanh. Mẹ nàng bảo: “Đàn ông là một lũ vô trách nhiệm, bạc như vôi. Đừng có tin vào những lời đường mật”. Mẹ nàng suy từ bản thân mình ra mà nói. Bà đã bị một gã sở khanh làm việc nơi phố thị tán tỉnh. Bà tin và trao tất cả cho gã. Khi bà báo tin đã mang thai thì gã cao chạy xa bay để lại tai tiếng chửa hoang cho bà mấy chục năm chưa nhạt. Chừng như chưa đủ thuyết phục, bà nói thêm: “Việc của con bây giờ là học. Học thật giỏi. Cũng là rửa nhục cho mẹ. Con rõ chửa?”. Bạn bè của nàng tham gia: “Nó chỉ thương hại mày thôi. Nhà nó quyền thế, giàu có, chưa đến lượt mày đâu”. Nàng nghe hết và im lặng. Có lẽ cái tính kiêu bạc và giàu lòng tự trọng của nàng bắt đầu từ đó. Mỗi lần gặp chàng, nàng luôn ngẩng cao đầu. Mỗi lần chàng chở nàng đi học, nàng vẫn thấy con tim mình rung nhẹ. Những lúc chàng đạp nhanh, gió ù thổi bên tai, nàng hốt hoảng, tay bám chặt vào hông chàng. Nàng đỏ mặt tía tai, vùng vằng giận dỗi bỏ về. Chàng tỉnh bơ. Không năn nỉ xin lỗi, cũng không níu kéo như bao đôi bạn khác. Về đến nhà, nàng buồn và nghi ngờ tình cảm của chàng.

Kỳ thi đại học có kết quả, nàng đỗ thủ khoa trường sư phạm. Chàng trượt. Mà nào chàng có kém cạnh gì đâu. Đúng là học tài thi phận. Những khi ấy chàng nhìn nàng bằng cặp mắt buồn mênh mang. Đêm chia tay, sớm mai nàng nhập trường, họ gặp nhau ở một quán cà phê ế khách. Im lặng rất lâu. Để cho có chuyện, chàng khen cà phê ngọt. Nàng lại chê cà phê đắng. Chẳng ai chịu ai. Nàng đứng lên ngúng nguẩy: “Anh dốt lắm”. Lại chia tay như chưa hề có cuộc hò hẹn. Nếu như câu nói: “Anh dốt lắm” là của cha mẹ, hay của ai đó mắng chàng thì chẳng có gì là ghê gớm. Nhưng lời nói gay gắt kia lại được phát ra từ cái miệng của người mình yêu thì không thể được. Chàng cũng có lòng kiêu hãnh của mình chứ. Chàng tự hứa với lòng sẽ chứng minh cho nàng biết mình là người thế nào. Thế là ngày chia tay để nàng nhập trường lại là ngày hai người nếm trải những khổ đau dằn vặt.

Nàng ở thủ đô. Chàng ở quê nhà. Không kiên nhẫn được nữa, chàng gửi vài dòng thư: “Em à, anh xin lỗi đã làm em giận. Về đi em, mình gặp nhau nhé. Vẫn thời gian, địa điểm cũ”. Nàng bất ngờ đến ngỡ ngàng. Ngồi tựa lưng vào ghế, ngửa mặt lên, hai mắt nhắm nghiền, nước mắt nàng ứa ra. Nàng úp hai tay lên miệng, cố nén tiếng nức nở sắp bật ra. “Sao không nói lấy một lời yêu, anh ơi?”. Không thể trách chàng được, chính lòng kiêu hãnh của nàng cũng ngăn không cho nàng nói lời yêu trước. Lẽ ra nàng phải đáp lại: “Thôi mà anh. Chúng mình thật trẻ con. Toàn giận hờn những chuyện không đâu”. Nhưng nàng lại im lặng. Nàng đã thắng, nhưng sao nàng không thể vui. Đêm ấy nàng khóc rất nhiều. 

Thời gian mau chóng trôi, chàng đã chứng minh rằng chàng không phải thằng dốt. Tự học và đi học. Bảy năm sau, chàng tốt nghiệp đại học y khoa với tấm bằng loại ưu. Bạn chàng bảo: “Mang đến trình diện nàng như một lời cầu hôn”. Không! Chàng không muốn làm thế. Vết thương lòng năm nào chưa bao giờ liền sẹo. Nó sẵn sàng ứa máu. Chẳng hạn cái lần chàng gặp nàng ở sân bay. Nàng đang khoác tay đi với một người đàn ông. Chẳng rõ người yêu hay bạn. Bàng hoàng và bất ngờ. Chàng và nàng cứ đứng trân trối nhìn nhau, quên cả lời chào xã giao. Từ đó cuộc đời chàng như một mảnh vỡ, càng cố ghép càng khấp khểnh. Chàng luôn so sánh nàng với những cô gái được bạn bè, gia đình gán ghép. Cha mẹ chàng từng hãnh diện về chàng bao nhiêu, thì nay phiền muộn về chàng bấy nhiêu. Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, ông bà vẫn còn ân hận chưa kịp lo cho thằng con trai yên bề gia thất. Sống một mình nên thời gian của chàng rất thừa thãi, chàng lao vào học. Học ngày học đêm. Mười năm sau nữa, chàng có tất cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chàng trở nên nổi tiếng với nhiều sáng kiến. Cơ hội công việc mở ra rộng lớn. Chàng làm việc cật lực. Đã có lúc chàng tưởng một cuộc đời mới sẽ thanh thản, yêu đời hơn. Tưởng bóng dáng người thiếu nữ năm xưa sẽ mờ dần. Nhưng chàng đã nhầm. Người ta chỉ có thể quên được bóng hình cũ khi có một bóng hình mới trong tim mà thôi.

Chợt một ngày kia chàng gặp nàng cùng con gái vào siêu thị. Hai người đứng lặng nhìn nhau không chớp mắt. Giông tố trong lòng mỗi người nổi lên ào ạt. Nàng vẫn đẹp như năm nào. Hai mươi năm rồi còn gì. Con gái nàng hỏi: “Người quen của mẹ à?”. Nàng im lặng không biết trả lời sao. Chàng hiểu cái im lặng ấy. Bảo rằng người quen thì phải chào hỏi chứ. Bảo rằng không quen thì nàng quả là con người có trái tim bằng đá. Cái ngày nghe tin nàng lấy chồng, chàng như phát điên. Giận nàng, giận mình, giận cả cuộc đời. Chàng đau đớn, không ăn, không uống mấy ngày. Nhưng công việc không cho chàng ốm. Nó lôi cuốn chàng như dòng thác lũ, không được phép phân tâm. Một tuần sau, bình tâm lại, chàng nghĩ nàng lấy chồng là hợp lẽ. Tuổi xuân con gái có thì. Chẳng có lý do nào bắt nàng phải chờ đợi một mối tình câm lặng. Nàng đã đợi một lời cầu hôn ở chàng, cho đến khi không thể chờ được nữa. Có vẻ như nàng đã chấp nhận phận làm vợ, làm mẹ. Chồng nàng cũng là một nhà giáo, tốt tính và chỉn chu. Nhà giáo lấy nhà giáo thật không gì hợp hơn thế. Nhưng cuộc đời đâu phải là cổ tích. Một tai nạn bất ngờ từ trên trời rơi xuống, khi nàng vừa bước vào phòng hộ sinh. Cái cẩu tháp đồ sộ đổ ập xuống khi chồng nàng đi qua. Hôm nay gặp nhau không hẹn trước, dường như lòng kiêu hãnh năm xưa lại trỗi dậy, không cho họ nói với nhau lấy một lời. Chàng quay ra mở cửa xe, nổ máy, phóng vụt đi. Nàng đứng lặng nhìn theo và khóc. Giá như hồi chưa lấy chồng, có thể nàng sẽ vứt bỏ lòng kiêu hãnh, để gọi chàng dừng lại. Hai người sẽ làm lành. Giờ thì đã muộn. Nàng không còn gì để gọi chàng nữa. Còn chàng, phóng xe một đoạn rất xa, dừng xe, tắt máy, và ngồi chờ điện thoại của nàng. Đợi, đợi mãi, chiếc điện thoại im lặng như cục sắt vô tri. Và cả nhiều năm sau nữa, không có cuộc điện thoại nào của nàng gọi vào máy chàng.

55 tuổi, nàng về hưu. Thế là sau bao năm nàng đã làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Một mình nàng nuôi hai đứa con nên người. Anh con lớn ra nước ngoài học tập, rồi sinh cơ lập nghiệp luôn bên đó. Ngày con gái út về nhà chồng, nàng mới thấy cô đơn thật sự. Ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng con gái mới kéo nhau về thăm nàng được. Cũng chỉ có nửa ngày thôi, nửa ngày còn lại dành cho nhà nội. Chúng cũng nhiệt tình quan tâm đến mẹ lắm nhưng chúng nó cũng bận. Khi có con nhỏ càng bận hơn. Thương mẹ lắm cũng chỉ gọi điện về thăm hỏi: “Mẹ có khỏe không?”, thế thôi rồi tắt máy. Ba bốn chục cây số là khoảng cách không dễ khắc phục. Cuộc sống của nàng lặp đi lặp lại, ngày nào cũng thế. Sáng, ra công viên tập dưỡng sinh cùng bạn bè rồi đi ăn sáng. Xong, đọc qua các loại báo, lên mạng chia sẻ với bạn bè ở xa cho hết buổi sáng. Nàng còn cả buổi chiều thênh thang chẳng biết làm gì. Những lúc ấy, bao nhiêu kỷ niệm, niềm vui lẫn nỗi buồn cứ thế ùa về. Sau khi người mẹ già mất, nàng quyết định trở về quê hương. Nàng sẽ sống tại đó đến mãn chiều xế bóng. Hơn hết là mong gặp lại chàng, để nói với chàng chỉ một câu thôi: “Hải ơi, chúng mình chỉ là hai đứa trẻ nhiều tuổi, lại hay đành hanh, hờn dỗi. Biết yêu nhau mà chẳng đứa nào chịu mở lời trước, chỉ vì lòng kiêu hãnh, lòng tự trọng quá cao”. Có thể chàng sẽ cười. Mặc, chàng muốn nghĩ sao cũng được. Miễn là nàng nói thật tình cảm và ý nghĩ của mình. Rồi hai người có thể sẽ thanh thản đón nhận cuộc sống mới, không ai phải đau, phải nuối tiếc nữa.

“Loan”, một tiếng gọi nhẹ vang lên bên tai nàng. Trời ơi, ai gọi nàng theo kiểu cách như hồi còn trẻ thế nhỉ? Đã lâu lắm rồi, nàng quen mọi người gọi cô Loan, chị Loan, bác Loan, rồi đến bà Loan. Hoặc họ gọi nàng bằng tên của chồng. Cách gọi ấy như kéo ngược nàng trở về một buổi chiều ngập tràn nắng và gió. Chàng và nàng đèo nhau trên chiếc xe đạp, dạo chơi nơi phố huyện. Nàng ngẩng lên: “Anh Hải”. Nói xong nàng đứng lặng, run rẩy, nước mắt chỉ chực ứa ra. Thương Hải quá. Hải già hơn so với tuổi và vẫn sống một mình. Nàng muốn nói với chàng một câu thật dịu dàng, thật yêu thương nhưng rồi nàng lại cầu mong chàng nói trước. Chàng im lặng. Hình như còn len lén thở dài. Bốn mắt nhìn nhau bối rối. Tình cảm họ dành cho nhau vẫn còn sâu đậm lắm. Dường như cuộc sống bộn bề chẳng tác động, chẳng làm thay đổi suy nghĩ của hai người so với mấy chục năm trước. Vẫn quán cà phê năm xưa, nhưng hôm nay lịch sự và khang trang hơn nhiều. Hương hoa sữa nồng nàn lan tỏa. Nàng lặng lẽ bước lại gần ô cửa sổ, mắt hướng ra đường, khẽ hít một hơi dài vào sâu trong lồng ngực. Nàng thấy lòng mình xốn xang kỳ lạ như thưở mười tám đôi mươi. Nghẹn ngào và tức tưởi. “Tạo hóa ơi, chẳng lẽ cứ phải hy sinh, cứ phải đớn đau, thì con người mới có hạnh phúc sao?”. Đôi mắt to tròn của nàng ngơ ngác như chứa đựng một câu hỏi: “Sao Hải chẳng nói gì?”. Nếu như ngày xưa nàng đã ngúng nguẩy bỏ về. Nhưng hôm nay nàng không thể. Dẫu sao, hai người vẫn còn một sợi dây nằm sâu trong khoảng trời riêng. Chẳng ai dại gì quăng quật tình cảm thêm một lần nữa. Chàng âu yếm vuốt nhẹ mái tóc nàng: “Tóc em bắt đầu bạc nhiều rồi đấy”. Lời nàng như gió thoảng: “Gần sáu chục tuổi rồi, anh ơi”. Lẽ ra chàng phải nói: “Anh vẫn yêu em nhiều lắm lắm”, thì chàng lại bảo: “Em có về ở với anh không?”. Nghe nàng cười nhẹ: “Tình già”?. Chàng vội nói: “Tình yêu không có tuổi”. Nàng gắt: “Sao bây giờ anh mới nói? Liệu có muộn quá không?”.

Sau buổi gặp gỡ bất chợt ấy, cứ vài ngày hai người lại ngồi bên nhau ở quán cà phê ế khách... 

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN