Hãy hành động, đừng ngồi im nữa!

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:05, 06/10/2019

Không nhìn thấy được hạt bụi mịn, ô nhiễm không khí với mắt thường nhưng tác hại của chúng thì luôn hiển hiện trước mắt. Việc ô nhiễm hôm nay đã được báo trước từ lâu, nhưng nay nguy hại đã ập đến.

Tháng 1.2019, tại Bangkok, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cảnh báo nguy hại. Lúc ấy, ngay lập tức chính quyền thủ đô Thái Lan đã cho đóng cửa 437 trường học với cảnh báo "trẻ em có thể bị tổn hại".

Tại Hàn Quốc, khi xảy ra ô nhiễm không khí, báo động bụi mịn, chính quyền các thành phố có ngay thông tin cảnh báo đến người dân qua tin nhắn điện thoại với khuyến cáo hạn chế ra ngoài và yêu cầu không sử dụng phương tiện cá nhân khi ra đường.

Các cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng yêu cầu ngay các "thủ phạm" gây ra bụi mịn như cấm các xe công lưu hành, hạn chế xe vào trung tâm thành phố, yêu cầu các cơ sở sản xuất có gây ra nguồn khói, bụi mịn phải giảm ngay công suất hoạt động...

Nhìn chung các nước luôn xem vấn đề ô nhiễm không khí, bụi mịn là tình huống khẩn cấp để có ứng phó thích hợp, kịp thời.

Còn chúng ta?

Vài tuần gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ở mức báo động, gây lo lắng cho hàng triệu người dân. Thế nhưng các cơ quan chức năng, những chuyên gia còn tranh luận việc có hay không ô nhiễm không khí.

Và chỉ đến ngày 1.10, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới công bố ô nhiễm không khí tại Hà Nội và THồ Chí Minh đến mức nguy hại cho sức khỏe người dân, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.

Không thể không ra đường bởi hằng ngày người dân vẫn phải đi làm, học sinh vẫn phải tới trường... Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân chỉ biết vơ vội khẩu trang đeo lên hoặc dùng tay bịt miệng mũi mỗi khi đi qua khói bụi.

Bàn tay, khẩu trang đơn giản của người dân không thể che nổi những hạt bụi mịn PM2.5 đang dày đặc trong không khí. Thậm chí, có ở trong nhà thì người dân cũng phải hít thở nguồn không khí đang bị ô nhiễm ấy. Nguồn không khí ô nhiễm, bụi mịn cứ thế chui thẳng vào phổi người dân, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh.

Các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã "bắt được thủ phạm" gây ra nguồn bụi mịn. Đó là khí thải, khói từ xe cộ, cơ sở sản xuất công nghiệp, từ các nhà máy nhiệt điện, đám cháy, bếp than tổ ong; bụi từ các công trình xây dựng, bụi trên đường phố... Bụi mịn và siêu mịn phần lớn có nguồn gốc do chính chúng ta tạo ra.

"Bắt được thủ phạm" có thể gây hại, dẫn đến cái chết cho người dân, nhưng các cơ quan chức năng tại hai thành phố lớn lại không cảnh báo kịp thời cho người dân biết. Thậm chí ngay tại THồ Chí Minh cũng chưa có được các trạm quan trắc tự động chất lượng không khí để có thông tin kịp thời, cảnh báo.

Cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra giải pháp nào cụ thể trước mắt lẫn lâu dài để ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí khẩn cấp như hiện nay. Người dân vẫn phải tự xoay xở với cái khẩu trang trong mớ bòng bong thông tin và thực tế ô nhiễm nguy hại.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá và xác lập phản ứng kịp thời với vấn đề ô nhiễm đã ập tới. Đó không phải là chuyện đâu xa mà đã cấp bách, nhãn tiền. Bắt đầu từ việc thông tin nhanh chóng cho dân, đẩy nhanh các biện pháp hạn chế xe cộ, mạnh tay hơn với việc xả thải và phá rừng...

Cơ quan chức năng lúc này không thể ngồi im được nữa mà phải hành động, thay vì chỉ khuyến cáo dân hạn chế ra đường.

ĐỨC TUYÊN