"Bông hoa" nở muộn

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:06, 06/10/2019

Đến nay, Hải Dương có 19 nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) được Nhà nước phong tặng. Trong đó có cặp đôi NSƯT Kim Hoàn - Hạnh Bẩy (Nhà hát Chèo Hải Dương).

Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Bẩy đã có gần 30 năm gắn bó với sân khấu chèo

Bốn năm trước, chồng được vinh danh. Bốn năm sau, vợ lại được phong tặng. Có những bông hoa nở muộn nhưng vẫn thầm lặng gửi cho cuộc đời những vị hương lành.

Bươn chải nhọc nhằn

Hạnh Bẩy là con một gia đình nông dân ở xã Thống Nhất (Gia Lộc), vùng quê có truyền thống hát chèo. Cha tham gia đội văn nghệ xã nên thuở nhỏ Bẩy thường theo ông đi xem diễn chèo.

Tiếng hát chèo, tiếng sáo lâu dần ngấm vào máu thịt cô bé, để rồi khi học hết bậc phổ thông, Bẩy dấn thân vào nghề ca hát. Bươn chải khắp nơi học nghề, học việc, thi tuyển… cuối cùng năm 1993, chị được chọn vào Đoàn chèo Hải Hưng (nay là Nhà hát Chèo Hải Dương).

Làm diễn viên một đoàn chèo chuyên nghiệp là chấp nhận lao động nghệ thuật có đủ cả vinh quang, ánh sáng và nỗi khó nhọc khắc nghiệt khác hẳn đời thường.

Không chỉ đam mê, tâm huyết là đủ mà còn phải có những duyên may, lợi thế sở trường thanh sắc do thiên bẩm trời cho. Chị Bẩy tự nhận mình không có nhiều lợi thế như diễn viên khác, ít được chú ý, chỉ có thể sắm các vai cá tính, nội tâm trong khuôn khổ hẹp, ít đất diễn... Vì thế, dẫu đã sắm vai trong vài chục vở diễn nhưng chỉ là các vai phụ hoặc thứ chính, không mấy nổi bật.

Năm 1995, Hạnh Bẩy lấy chồng, là một nhạc công trong đoàn. Thời ấy, cuộc sống của nghệ sĩ còn khổ lắm. Hạnh Bẩy lùi vào hậu phương, giống như nép vào cánh phông để lo toan cho chồng con ăn học, thi thố nhưng không quên nhiệm vụ của một diễn viên.

Bốn năm liền (2008- 2012), nghệ  sĩ Kim Hoàn - chồng Hạnh Bẩy đi học đại học ở Hà Nội, đôi vai người nữ diễn viên càng trĩu nặng trước toan lo cuộc mưu sinh. 

Các con khôn lớn dần, chồng học xong về đoàn công tác, Hạnh Bẩy vơi đi gánh nặng. Chị tập trung hơn vào nghề nghiệp, xốc lên vai trách nhiệm của người diễn viên.

Không phải là nghệ sĩ xuất sắc, người khác phấn đấu có thể dễ dàng hơn nhưng với chị thì xác định nỗ lực nhiều lần mới đạt được mong muốn. Điều cơ bản nhất là Hạnh Bẩy có tố chất của một diễn viên chuyên nghiệp, năng lượng tiềm tàng trong người giống như ngọn lửa cháy âm ỉ chỉ chờ khi có đủ điều kiện là sẽ bùng phát, tỏa sáng… 

Năm 2013, Nhà hát Chèo Hải Dương dựng vở “Chuông ngân rừng trúc” (tác giả tiến sĩ Trần Đình Ngôn). Đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đắc Sừ chọn Hạnh Bẩy sắm vai Quạc, một nhân vật phụ đầy cá tính.

Chị vừa mừng vừa lo trước sự chọn lựa giao vai của đạo diễn bậc thầy. Máu nghề nghiệp và niềm đam mê, lòng tự trọng đã khích lệ chị tìm một lối đi riêng cho mình, bứt phá, không giống ai nhưng đầy sức sống.

Bước ngoặt 

Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc tổ chức tại đất cảng Hải Phòng, giữa ánh sáng và âm thanh sân khấu chuyên nghiệp, giữa những tên tuổi nghệ sĩ cây cao bóng cả chỉ cần xướng danh lên khán giả đã thấy tin yêu, ái mộ, Hạnh Bẩy - một nghệ danh lạ lẫm, sắm vai một nhân vật phụ, có tính hài tránh sao không một chút tự ti?

Thế nhưng ở đây lại tạo ra một "cú sốc" khi nhân vật Quạc xuất hiện trên sân khấu. Cú sốc gây bất ngờ, làm sôi lên cả khán phòng đang đắm chìm trong không gian nghệ thuật. Những tràng pháo tay, những trận cười bung ra làm nghiêng ngả người xem…

Tổng kết hội diễn, nghệ danh Hạnh Bẩy được nhắc đến nhiều lần cùng với tên nhân vật Quạc. Phó giáo sư Tất Thắng, nhà nghiên cứu và phê bình sân khấu, Trưởng Ban giám khảo đã khen ngợi lối diễn rất ấn tượng, cá tính mà dân dã của Hạnh Bẩy. 

Hạnh Bẩy đoạt huy chương vàng (HCV) Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khiến cho bạn bè, đồng nghiệp rất mừng vui và thán phục.

Sau này nghĩ lại, hóa ra diễn viên không cứ sắm vai chính hay phụ, mà cốt nhất là hợp vai, để hóa thân, diễn xuất, gây xúc cảm và lay động trái tim công chúng. Năm ấy cả nước có 24 vở diễn, chỉ có 3 vở được trao tặng HCV, trong đó có một vở của Nhà hát Chèo Hải Dương. Có 42 tấm HCV cho cá nhân thì Hạnh Bẩy chiếm một tấm. 

3 năm sau (2016), Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở Ninh Bình. Hạnh Bẩy sắm vai Vương Bà trong vở chèo “Kỳ ngộ lương duyên” và chị được tặng huy chương bạc cho vai diễn này. Đó là những “tấm vé” để chị bước dần đến Nhà hát Lớn mùa thu năm 2019, nhận danh hiệu NSƯT.

Vào nghề năm 19 tuổi, gắn bó với sân khấu chèo gần 30 năm, nghệ sĩ Hạnh Bảy khiêm tốn nhận mình là người không nổi tiếng, thành công đến chậm.

Để có thành công ấy, với các nghệ sĩ khác thì họ cố gắng phấn đấu chỉ một phần, nhưng chị phải phấn đấu gian khổ nhọc nhằn gấp hai phần. Tôi bỗng liên tưởng cuộc đời nghệ thuật của Hạnh Bẩy với loài hoa. Có những bông hoa nở muộn, nhưng nó vẫn gửi cho cuộc đời những vị hương lành.

Vun đắp gia đình và đam mê sự nghiệp, trải qua muôn nỗi gian nan khó nhọc, bây giờ chị là người hạnh phúc. Chỉ trong 4 năm (2015-2019), cả hai vợ chồng lần lượt được phong danh hiệu NSƯT. Nghệ sĩ Kim Hoàn được phong danh hiệu năm 2015, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương.

Con gái lớn tốt nghiệp Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, tiếp tục du học ở Hàn Quốc. Con nhỏ đang theo học nghệ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch tỉnh.

Nghệ sĩ Hạnh Bẩy không chỉ thành công trên con đường nghệ thuật của riêng mình mà còn đang tiếp tục ươm mầm, hướng các con bước tiếp trên con đường gian nan nhưng cũng đầy niềm vui, hạnh phúc của mẹ cha.

KHÚC HÀ LINH