Thế khó với đảng Xã hội cầm quyền Bồ Đào Nha sau bầu cử
Bình luận - Ngày đăng : 21:20, 07/10/2019
Thủ tướng Antonio Costa sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố. Ảnh: Reuters
Mặc dù kết quả bầu cử cho thấy Chính phủ vẫn nhận được sự ủng hộ của một số không nhỏ các cử tri, song với việc chưa đạt đủ đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập Chính phủ, Thủ tướng Antonio Costa đã rơi vào thế khó khi sẽ phải lựa chọn các đồng minh để tiếp tục nắm quyền.
Đảng Xã hội cầm quyền thắng cử
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Bồ Đào Nha ngày 6.10 cho thấy đảng trung tả PS cầm quyền tại nước này đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra trước đó cùng ngày song vẫn không hội đủ đa số cần thiết (116/230 ghế) để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Theo kết quả kiểm 98% số phiếu do Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha công bố, PS đã giành 37% sự ủng hộ của cử tri (tương đương 106 ghế), tiếp đó là đảng trung hữu Dân chủ xã hội (PSD) đối lập với 28% số phiếu (77 ghế).
Kết quả này đồng nghĩa PS với sự hỗ trợ 2 đảng cánh tả khác trong 4 năm qua, sẽ tăng cường sự hiện diện tại Quốc hội, song vẫn chưa đủ đạt đa số tuyệt đối, và buộc Thủ tướng Antonio Costa sẽ phải lựa chọn các đồng minh để tiếp tục nắm quyền.
Phát biểu với báo giới sau khi kết quả thăm dò cử tri sau bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Costa nhấn mạnh rằng kết quả cuộc bỏ phiếu lần này đã phản ánh rõ sự ghi nhận của các cử tri đối với những chính sách của đảng cầm quyền, đồng thời tuyên bố trước người ủng hộ rằng, ông sẽ tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, Thủ tướng Costa khẳng định bất kể kết quả thế nào, Bồ Đào Nha cần phải đảm bảo sự ổn định. Thủ tướng Costa nêu rõ “Sự ổn định chính trị rất cần thiết đối với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Bồ Đào Nha”. Thủ tướng Bồ Đào Nha Costa cũng thông báo ông sẽ đàm phán với các đảng khác nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị trong 4 năm tới.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này tại Bồ Đào Nha có 21 đảng và liên minh chính trị đã tham gia cuộc chạy đua giành ghế trong Quốc hội khóa 14 của Bồ Đào Nha. Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều cho thấy đảng Xã hội cầm quyền tại Bồ Đào Nha luôn dẫn đầu với khoảng cách khá xa so với các đối thủ trong cuộc bầu cử Quốc hội Bồ Đào Nha với tỷ lệ ủng hộ dao động từ 36% đến 40%. Trong khi đảng trung hữu PSD đối lập chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 24% và 7-8% là mức ủng hộ dành cho đảng Nhân dân (CDS-PP) đối lập.
Lợi thế song không ít khó khăn
Thủ tướng Antonio Costa, 58 tuổi, đã lên nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 dù đảng Xã hội của ông chỉ về thứ 2 nhờ sự ủng hộ của 2 đảng cánh tả với cam kết đưa đất nước trở lại tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu. Theo giới phân tích, trong cuộc đua vào Quốc hội lần này, đảng trung tả Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Costa đã có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ khác. Chính phủ của ông Costa đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế Bồ Đào Nha vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công bằng những chính sách kinh tế khắc khổ, “thắt lưng buộc bụng”.
Trước đó, khi cơn bão khủng hoảng nợ công tràn vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2010, sau Hy Lạp và Ireland, Bồ Đào Nha là nước thứ 3 rơi vào tình trạng suy thoái. Thâm hụt ngân sách năm 2010 của nước này ở mức 8,6%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 7,3% mà nước này đặt ra trước đó. Khoản nợ công của Bồ Đào Nha năm 2010 lên tới 84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nghiêm trọng hơn, 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn.
Rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng, năm 2011, Bồ Đào Nha đã nhận được khoản vay trị giá 78 tỷ euro (89 tỷ USD) từ bộ ba chủ nợ quốc tế (hay còn gọi là “troika”) - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - để đưa kinh tế đất nước thoát khỏi các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Tuy nhiên, để có được những khoản vay của các chủ nợ kể trên, Lisbon đã phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài 3 năm, với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo, cắt giảm tiền lương của người lao động, lương hưu và trợ cấp xã hội, người dân phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và tăng mạnh thuế.
Sau 3 năm thực hiện chương trình chi tiêu khắc khổ với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, cân bằng tài chính công, nền kinh tế Bồ Đào Nha đã bắt đầu phục hồi. Ngày 17.5.2014, Bồ Đào Nha đã tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ trên và cam kết tiếp tục các cải cách kinh tế. Từ năm 2014 đến năm 2018, tăng trưởng kinh tế tăng từ mức 0,2% lên 2,1% và tỷ lệ thất nghiệp giảm khoảng 50%, còn 6%. Đến nay, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã được kiểm soát và số lượng du khách tới nước này đạt mức cao kỷ lục, thị trường bất động sản khởi sắc, trong lúc xuất khẩu và đầu tư gia tăng. Chính phủ Bồ Đào Nha dự báo kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay.
Chính vì vậy, chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này của đảng trung tả Xã hội cầm quyền cho thấy chính sách khắc khổ của Chính phủ vẫn nhận được sự đồng cảm của một số không nhỏ các cử tri. Thông qua lá phiếu của mình, cử tri Bồ Đào Nha đã khẳng định thông điệp không muốn nền kinh tế quốc gia này đi vào vết xe đổ như Hy Lạp. Song, việc làm thế nào để tiếp tục duy trì đà phục hồi của nền kinh tế sẽ vẫn là một trong những thách thức lớn với chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử lần này.
Trong khi đó, cho dù nhận được sự ủng hộ của cử tri song với việc đảng Xã hội cầm quyền không giành đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội để thành lập chính phủ mới, nên theo Hiến pháp Bồ Đào Nha, liên minh cầm quyền sẽ phải liên kết với các đảng khác để thành lập chính phủ. Hơn nữa, do không chiếm được đa số nên các dự luật mà Chính phủ trình lên Quốc hội, nơi mà các nghị sĩ trong phe đối lập cánh tả đang chiếm đa số ghế, sẽ rất khó được thông qua. Các đảng cánh tả tại Bồ Đào Nha cho rằng chính phủ của ông Costa sẽ khó tồn tại lâu dài.
Theo TTXVN