Phụ huynh, giáo viên được gì khi đối phó nhau bằng camera?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:06, 08/10/2019

Phụ huynh lẫn giáo viên sẽ được gì khi đối phó nhau bằng chiếc camera? Đứa trẻ sẽ phát triển nhân cách ra sao khi mỗi ngày trôi qua, các con được đối xử, dạy dỗ trong sự soi xét, giả tạo và những màn kịch?


Gắn camera trong lớp có thể ngăn bạo hành học sinh nhưng việc này có thực sự tốt cho giáo dục?. Ảnh cắt từ clip


Chị gái tôi - giáo viên một trường tiểu học tại TP Thanh Hóa, cho biết khi trong lớp gắn camera, chị không còn tự nhiên mỗi giờ giảng bài, luôn trong tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, tự hỏi không biết hôm nay mình có thiếu sót gì không, có làm gì sai không...

"Mình không làm điều gì khuất tất nhưng cứ nghĩ mà xem, giáo viên sợ những ánh mắt soi mói của phụ huynh cũng căng thẳng chẳng khác gì những hôm lớp có dự giờ", chị tâm sự.

"Chị không muốn đóng kịch với các con dưới ống kính camera, chỉ muốn là chính mình thôi. Chỉ mong những ánh mắt của phụ huynh qua chiếc camera hãy độ lượng hơn, dễ cảm thông hơn, bớt khắt khe hơn. Và chị mong tất cả những chiếc camera ấy biến mất khỏi lớp học", chị nói.

Nhiều trường hiện gắn camera trong lớp. Phụ huynh ở nhà hay đi làm vẫn có thể dõi theo con, xem con ăn uống, học và chơi đùa thế nào, con có bị bạn bắt nạt không, có bị cô véo tai, đét mông không... Và phụ huynh được gì? Sự yên tâm? Có thể bảo vệ con từ xa?

Có thể. Nhưng cái họ nhìn thấy chỉ là hình ảnh bề nổi, không phản ảnh được hết bản chất vấn đề. Và giáo viên cũng sẽ bị áp lực hơn, chuyện học của các con chắc chắn ít nhiều bị ảnh hưởng.

Giáo viên vì muốn đối phó với "ánh mắt phụ huynh" sẽ phải vào vai một giáo viên yêu trẻ, mềm dẻo, không dám lớn tiếng với các con. Lâu dần, chính họ cũng khó giữ được lòng yêu nghề, yêu trẻ và đánh mất niềm tin vào chính mình.

Họ sẽ chẳng dám phạt học sinh nếu các em có vi phạm nội quy trường lớp. Họ sẽ chẳng thể bảo ban, dạy dỗ học sinh nếu các con hỗn, bởi vì họ không muốn mếch lòng phụ huynh. Sự phán xét, soi mói của phụ huynh lúc này vô tình tiếp tay cho sự giả dối trong lớp học.

Khi một giáo viên không tự tin vào mình, không tự tin đứng trước lớp, không tự tin dạy dỗ học sinh, không tự tin trước phụ huynh, họ sẽ dạy bằng gì? Hay họ sẽ trở thành những con rối diễn kịch để làm hài lòng phụ huynh?

Tôi có người bạn là giáo viên mầm non từng tâm sự, có lúc phải làm ngơ khi trẻ hư chỉ vì sợ phụ huynh qua camera sẽ hiểu lầm hành động dạy dỗ của mình là bạo lực.

Phụ huynh lẫn giáo viên sẽ được gì khi đối phó nhau bằng chiếc camera? Đứa trẻ sẽ lớn lên thế nào, phát triển nhân cách ra sao khi mỗi ngày trôi qua, các con được đối xử, được dạy dỗ trong sự soi xét, sự giả tạo và những màn kịch? Đứa trẻ không được tôn trọng thực sự, yêu thương thực sự liệu sẽ ra sao?

Chúng ta từng nghe và bức xúc với những lớp học diễn kịch trong tiết dự giờ, đó là những đứa trẻ học kém sẽ phải nghỉ ở nhà và những cánh tay giơ lên phát biểu chỉ là hình thức… Chiếc camera qua ánh mắt dò xét của phụ huynh cũng chẳng khác gì những tiết dự giờ đó.

Và cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực dạy giỏi, áp lực tỉ lệ học sinh giỏi... có khi nào chiếc camera trở thành giọt nước tràn ly khiến giáo viên đánh mất mình, đánh rơi niềm tin và dễ có hành động phi sư phạm khi không vượt qua được áp lực mỗi ngày?

Theo Tuổi trẻ