Rút quân khỏi Syria, ông Trump bị tố 'đem con bỏ chợ'
Bình luận - Ngày đăng : 17:17, 08/10/2019
Ông Trump đang quyết tâm chấm dứt các cuộc chiến dài hơi, tốn kém của Mỹ ở hải ngoại
"Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu ở những nơi đem lại lợi ích cho nước Mỹ, ở những nơi mà chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng", ông Trump nhấn mạnh trong dòng viết trên Twitter cá nhân ngày 7-10.
Quyết định rút toàn bộ lính Mỹ khỏi miền bắc Syria ngay trước thềm một đợt tấn công truy quét người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ông Trump bị chỉ trích ngay trong nội bộ Cộng hòa.
Nó được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Tổng thống Mỹ khẳng định Washington sẽ không can dự nhưng cũng không ủng hộ chiến dịch quân sự của Ankara ở miền bắc Syria.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Marco Rubio, Ted Cruz và các nghị sĩ hàng đầu khác của đảng Dân chủ đều lên án gay gắt động thái của chính quyền Trump.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi ông Trump nên tiếp tục giữ binh sĩ ở lại Syria để duy trì vị thế và hình ảnh là người lãnh đạo trong các liên minh.
Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin riêng cho biết vài trăm lính đặc nhiệm Mỹ đã được di chuyển sang các địa điểm cách xa khu vực Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ khẳng định đây là cách để Washington chứng minh rằng họ không tham gia chiến dịch chống lại các cựu đồng minh người Kurd Syria.
Báo Washington Post nhận định cho dù có "hùa" theo Thổ Nhĩ Kỳ hay không, quyết định rút quân của Mỹ trong mắt người Kurd chẳng khác gì sự phản bội.
"Họ (người Kurd) là những người kiên định nhất trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và bây giờ họ đang bị bỏ lại, phải chống chọi với một chiến dịch quân sự quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ bằng chính vũ khí mà họ có được", tờ báo của Mỹ lập luận.
Các binh sĩ người Kurd tại Syria với vũ khí là các bệ súng phòng không đặt trên xe bán tải dân sự
Các lực lượng người Kurd tại Syria từ lâu đã là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, trong mắt chính quyền Ankara, người Kurd Syria là một lực lượng khủng bố có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai nên luôn tìm cách trừ khử. Sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trong các lực lượng người Kurd với vai trò cố vấn quân sự từng khiến Thổ Nhĩ Kỳ chùn tay mỗi khi toan tính phát động chiến dịch truy quét.
Tổng thống Trump đã dành một loạt dòng trạng thái trên Twitter để bảo vệ quyết định rút quân của mình.
"Người Kurd đã chiến đấu cùng với chúng ta, nhưng họ đã được trả tiền và cung cấp vũ khí từ chúng ta để làm điều đó", nhà lãnh đạo Mỹ lập luận.
Nói như một nhà quan sát, trong mắt ông Trump, các lực lượng người Kurd dường như chẳng khác gì lính đánh thuê chuyên nghiệp và khi IS bị tiêu diệt cũng là lúc hợp đồng chấm dứt.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu có các hành động đi quá giới hạn ở miền bắc Syria, một nỗ lực dập tắt các lo ngại rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh khi đã đạt được mục đích.
Các chuyên gia nhận định việc ông Trump đe dọa xóa sổ nền kinh tế Thổ chỉ là lời hứa suông, bởi nước Mỹ sẽ không vì một nhóm dân quân vũ trang nhỏ lẻ mà làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang ngày càng xích lại gần Nga.
Quyết định rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria đã dẫn tới sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hồi năm ngoái. Đối diện với một số áp lực, ông Trump đồng ý giữ lại số ít binh sĩ để ngăn chặn sự hồi sinh của IS và ảnh hưởng của Nga, Iran tại khu vực.
Theo Tuổi trẻ