Bất đồng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khiến xung đột tại Syria thêm rối ren
Bình luận - Ngày đăng : 20:42, 08/10/2019
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường triển khai quân tới biên giới với Syria khi triển vọng thiết lập vùng an toàn ngày càng xa vời
Sau khi lên kế hoạch tấn công miền Bắc Syria, ngày 8.10.2019, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành không kích các mục tiêu người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria giáp với biên giới nước này. Tuy nhiên, cuộc tấn công này ngay từ khi lên kế hoạch đã vấp phải sự phản đối và cảnh báo của giới chức Mỹ. Vết rạn mới trong quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được dự báo sẽ đẩy tình hình xung đột tại Syria thêm rối ren.
Vết rạn mới
Kể từ cuối năm 2018, khi chính quyền Mỹ công bố ý định sẽ rút quân đội khỏi Syria, Mỹ đã cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ để có được sự bảo đảm về tương lai của lực lượng người Kurd sau khi Mỹ rút quân nhưng không được Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận. Thổ Nhĩ Kỳ còn gây sức ép để buộc Mỹ cùng đàm phán thiết lập một vùng an toàn tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria nhằm mục tiêu loại bỏ các mối đe dọa an ninh từ khủng bố đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ đầu năm 2019, Ankara và Washington đã nhất trí đàm phán về việc thiết lập vùng an toàn ở Đông Bắc Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị thiết lập vùng an toàn 32 km sâu bên trong lãnh thổ Syria, phía Đông sông Euphrates, đồng thời nhấn mạnh mong muốn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), một nhóm lớn trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đối lập do người Kurd lãnh đạo, vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố, phải bị loại khỏi khu vực này. Song những đề nghị này lại không được Mỹ đồng ý khiến đàm phán giữa hai nước lâm vào bế tắc.
Ngày 4.8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo về việc sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự mới nhằm vào khu vực trên, đồng thời cho biết Ankara sẽ tự thúc đẩy việc thiết lập vùng an toàn trong trường hợp đàm phán với Mỹ thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, đây là cách để loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và tiêu diệt khủng bố ở miền Bắc Syria, đồng thời là ưu tiên hàng đầu của nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan.
Phản ứng lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo, mọi hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ là không chấp nhận được. Phía Mỹ cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào khu vực Đông Bắc Syria là một cuộc phiêu lưu cực kỳ mạo hiểm bởi nó có thể đe dọa đến sự an toàn của các lực lượng Mỹ đang phối hợp với đội quân SDF ở Syria và vì thế có thể gây cản trở cho tiến trình thực hiện mục tiêu đánh bại IS trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 5 - 8.8, các quan chức quốc phòng Mỹ đã tiến hành đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập vùng an toàn ở Syria. Vấn đề Syria đã đạt bước tiến tích cực khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí về một thỏa thuận thành lập “vùng an toàn” tại miền Bắc Syria nhằm tạo điều kiện cho hơn 2 triệu người tị nạn trở về quê hương sau hơn 8 năm xung đột triền miên. Sáng kiến này cũng nhằm giải tỏa những lo ngại an ninh của Ankara về lực lượng người Kurd hiện kiểm soát vùng lãnh thổ này với việc bảo đảm một khu vực biên giới dài 480km không có sự hiện diện của các tay súng người Kurd. Đây chính là một trong những yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây. Trong khi Washington ủng hộ lực lượng YPG - đồng minh chính của xứ Cờ hoa trong cuộc chiến chống lại các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là một nhánh của PKK mà Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.
Dù đã nhất trí về “vùng an toàn”, song cho đến nay cùng với việc vấp phải những chỉ trích của Syria, việc thiết lập “vùng an toàn” tại khu vực Đông Bắc Syria của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng vấp phải những bất đồng từ chính hai nước. Hiện mỗi bước đi tại Syria, hai bên đều đã để lộ những bất đồng cơ bản về quan điểm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thừa nhận, mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là tiêu diệt tổ chức khủng bố trong khu vực, trong khi Mỹ lại muốn dàn xếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Trong bối cảnh các lực lượng Mỹ đang đẩy mạnh rút quân dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi Nhà Trắng tuyên bố Washington sẽ không can dự hay hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào các tay súng người Kurd tại Syria, ngày 6.10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra tuyên bố cứng rắn cho biết nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ ở phía Đông sông Euphrates tại Syria, nơi Ankara và Washington chưa thành lập được "vùng an toàn" như kế hoạch.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này dường như đã hết kiên nhẫn và không thể tiếp tục chờ đợi Mỹ để can thiệp vào Syria. Giới quan sát cho rằng, sự sốt ruột của Ankara là hoàn toàn dễ hiểu bởi chiến dịch truy quét các nhóm nổi dậy người Kurd tại nước này đã kéo dài suốt 4 thập kỷ. Việc thiết lập vùng an toàn sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng lợi thế cả trên thực địa lẫn trong các cuộc đàm phán về triển vọng hòa bình Syria với các bên liên quan. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở giúp mở rộng thêm các khu an toàn tới thành phố Raqqa và vùng Deir ez-Zor để tăng số lượng người tị nạn hồi hương.
Trong một động thái được cho là bước đi mạnh mẽ đầu tiên trước sự trì hoãn của quân đội và quan chức Mỹ, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tất cả các hoạt động chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự có thể hướng vào khu vực Đông Bắc Syria đang được hoàn tất.
Mặc dù vậy, chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã vấp phải sự cảnh báo của giới chức Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7.10 khẳng định, nước này không công nhận cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria và quân đội Mỹ sẽ không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ dưới bất cứ hình thức nào.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ, như Tổng thống đã nói, chúng tôi không công nhận chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc, không dính líu tới bất cứ chiến dịch nào như vậy”. Cũng theo ông Hoffman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã nói với “những người đồng cấp liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, hành động đơn phương sẽ gây ra những rủi ro cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cũng liên quan đến cuộc tấn công nói trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ “phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara triển khai bất cứ hành động nào mà ông cho là “ngoài các giới hạn” ở Syria sau quyết định rút quân Mỹ của ông ra khỏi khu vực Đông Bắc Syria. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà ông cho là vượt ra ngoài các giới hạn, nhà lãnh đạo này sẽ phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn thiết lập “vùng an toàn” tại phía Đông Bắc Syria càng sớm càng tốt để nhanh chóng xóa bỏ YPG ở vùng lãnh thổ giáp ranh với biên giới nước này. Thái độ trì hoãn thỏa thuận thiết lập “vùng an toàn” cũng như sự không ủng hộ chiến dịch quân sự tại Syria do Ankara khởi xướng của Washington có nguy cơ khiến những khác biệt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nới rộng.
Xung đột tại Syria thêm rối ren
Không chỉ nới rộng khác biệt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia phân tích nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kế hoạch tấn công miền Bắc Syria sau quyết định rút quân của Mỹ trong khi giới chức Mỹ cảnh báo chiến dịch tấn công này sẽ khiến xung đột tại Syria càng thêm rối ren khi triển vọng hòa bình cho cuộc nội chiến kéo dài 8 năm qua tại quốc gia này mới chỉ nhen nhóm.
Người ta đã nói nhiều tới những lý do cuộc xung đột Syria khó giải quyết. Chiến trường Syria có thể coi là một sự hỗn độn của những tác nhân đan xen, chồng chéo. Mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, bất đồng phe phái, sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài, lợi ích của các bên liên quan đối nghịch nhau. Ở Syria, ngoài lực lượng chính phủ và phe đối lập, sự tham gia của các cường quốc thế giới và khu vực, từ Mỹ, Nga tới Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, với mỗi thế lực hậu thuẫn một bên, mỗi thế lực lại có mục tiêu khác nhau, khiến xung đột ở quốc gia Trung Đông luôn phức tạp. Cuộc xung đột ở Syria đã không còn là mâu thuẫn riêng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với các lực lượng đối lập mà đã bị đẩy lên một nấc thang mới khi được mô tả có quy mô quốc tế.
Đầu năm 2014, Mỹ, Anh và một số nước vùng Vịnh đã thành lập liên minh, do Mỹ đứng đầu, can thiệp vào cuộc xung đột Syria, với mục tiêu hậu thuẫn phe đối lập Syria và hơn hết là buộc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực. Đằng sau đó còn là toan tính kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực, và đương nhiên bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Trung Đông chiến lược. Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria từ năm 2015, một mặt giúp chính quyền Tổng thống Assad giành lợi thế trong cuộc giao tranh với lực lượng đối lập, mặt khác duy trì ảnh hưởng và vị thế của Moskva tại khu vực Trung Đông. Khi mâu thuẫn đơn thuần giữa quân chính phủ và phe đối lập biến đổi về chất do các phe phái tại Syria đều nhận được sự hậu thuẫn từ các cường quốc với một bên là Mỹ và các nước đồng minh, bên kia là Nga và Iran, thì "ván cờ" Syria càng trở nên nan giải, đẩy xung đột ngày càng kéo dài và khó có thể đi đến hồi kết.
Trong 8 năm xung đột, người dân Syria phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thống kê cho thấy giao tranh đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 500.000 người, trong đó có tới hơn 1.100 trẻ em vô tội thiệt mạng riêng trong năm 2018. Hơn 5,6 triệu người Syria đã phải tị nạn ở Jordan, Liban, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, trong khi 6,6 triệu người phải đi lánh nạn ngay trong lãnh thổ nước này. Thậm chí, dòng người Syria còn bất chấp nguy hiểm tìm đường đến châu Âu, kéo theo cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng. Còn về kinh tế, cuộc xung đột đã khiến nền kinh tế Syria tụt hậu 3 thập niên.
Bất ổn nghiêm trọng không chỉ đẩy đất nước Syria rơi vào cảnh chiến tranh, mà còn tạo khoảng trống để các tổ chức cực đoan, trong đó có IS, chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ, biến quốc gia Trung Đông này thành một mặt trận của khủng bố.
Nhiều giải pháp nhằm tìm ra lộ trình chính trị, chấm dứt xung đột tại Syria đã được xúc tiến, trong đó phải kể đến các vòng đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ, bắt đầu từ năm 2012, cũng như các vòng đàm phán trong khuôn khổ "định dạng Astana", do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ kể từ tháng 12-2016. Tuy nhiên, cho đến nay các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của LHQ vẫn chưa đạt được nhiều đột phá khi giao tranh vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, 11 hội nghị được tổ chức theo "định dạng Astana" đã đạt kết quả khả quan với một số bước tiến tạo xung lực cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria. Đặc biệt đặc biệt là việc nhất trí thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở thành phố Sochi của Nga đầu năm 2018. Dẫu vậy, việc có thể đưa Ủy ban Hiến pháp Syria đi vào hoạt động vẫn còn khá gian nan bởi các bên vẫn chưa thống nhất được thành phần dự kiến gồm 150 thành viên, do chính phủ, phe đối lập và đặc phái viên LHQ lựa chọn. Hơn nữa, việc Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khẳng định được vai trò hợp tác quan trọng trong khu vực, dường như lại khiến Mỹ và các đồng minh khu vực không hài lòng. Cách tiếp cận, lợi ích và mục tiêu khác biệt đã đẩy các bên liên quan tới vấn đề Syria vào hai chiến tuyến.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công miền Bắc Syria sau quyết định rút quân của Mỹ trong khi giới chức Mỹ cảnh báo chiến dịch tấn công này đã cho thấy những khó khăn cũ còn chưa được hóa giải thì những thách thức mới lại xuất hiện. Và hòa bình cho Syria vẫn xa vời khi vận mệnh của quốc gia này vẫn chưa thực sự do người dân quyết định bởi Syria vẫn là tâm điểm "cuộc đấu" giữa các cường quốc.
Theo TTXVN