Lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ. Bài 2: Loại bỏ vấn nạn “thân quen, cánh hẩu”

Tin tức - Ngày đăng : 10:16, 09/10/2019

Việc ban hành Quy định 205 không chỉ thể hiện quyết tâm chấn chỉnh công tác cán bộ, mà đó còn là lời tuyên chiến trước vấn nạn chạy chức, chạy quyền.

>> Bài 1: Ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực


Khi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, Trịnh Xuân Thanh để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng nhưng vẫn được khen thưởng, đơn vị vẫn đạt danh hiệu Anh hùng Lao động

Tác động, tranh thủ, gây sức ép để giới thiệu, bổ nhiệm chức vụ, quyền hạn cho các trường hợp người thân, họ hàng, “cánh hẩu” ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị đã trở thành yếu kém, khuyết điểm, sơ hở” trong công tác cán bộ thời gian qua.

Nhưng kinh nghiệm lịch sử của Đảng cũng cho thấy, chúng ta không sợ khuyết điểm, khi đã nhận ra, Đảng ta sẽ ra sức sửa chữa. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW cho thấy Đảng ta quyết tâm chấn chỉnh công tác cán bộ, tuyên chiến mạnh mẽ với vấn nạn chạy chức, chạy quyền.

Căn bệnh lây lan

Chỉ bốn mươi lăm ngày sau Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên báo Cứu quốc, số ra ngày 17.10.1945, để nhắc nhở về lỗi lầm rất nặng nề là: “Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ.

Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.” Và Người cảnh báo: “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.

Bảy mươi tư năm qua, nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, Đảng ta luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác cán bộ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong các thời kỳ cách mạng.

Thế nhưng đáng tiếc, thông tin về những quan chức lạm quyền, lộng quyền tìm cách đẩy người này, người kia là họ hàng, thân quen, “cánh hẩu” lên giữ những vị trí béo bở trong các cơ quan công quyền, vẫn râm ran trong dư luận, đặc biệt là những năm gần đây. Tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Điều tiếng nhất thời gian qua về sự lộng quyền, lạm quyền, có lẽ là vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh với nhóm “cánh hẩu” ở Bộ Công thương với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Khi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng nhưng vẫn được khen thưởng, đơn vị vẫn đạt danh hiệu Anh hùng Lao động.

Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do sai phạm trong công tác quản lý, Thanh "chạy" sang địa bàn công tác khác, nắm giữ trọng trách mới, thậm chí đã tìm cách vượt qua mọi sự thẩm định khắt khe của các cơ quan chức năng để có một “lý lịch sạch” nên mới được bầu là đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Đáng bàn là không chỉ có trường hợp nhóm “cánh hẩu” Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng. Những lình xình liên quan đến công tác cán bộ gây nhức nhối trong xã hội còn diễn ra ở không ít nơi, từ Hà Giang, Yên Bái, Mỹ Đức (Hà Nội) đến Quảng Trạch (Quảng Bình), Hiệp Đức (Quảng Nam)…

Và hậu quả là “chủ nghĩa gia tộc” hay “chủ nghĩa thân hữu” thao túng, chi phối những đặc quyền, đặc lợi của cơ quan, địa phương, gây bức xúc và suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuyên chiến với vấn nạn

Trước nhức nhối trên, tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu, phải trả lời cho được những câu hỏi: Vì sao quy trình công tác cán bộ đúng, nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Phải làm gì để khắc phục, đẩy lùi tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Làm thế nào để bảo đảm quy chế, quy trình công tác cán bộ thật chặt chẽ để người muốn “chạy chức”, “chạy quyền” cũng “không thể chạy” và “không dám chạy”…

Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó chỉ rõ tình trạng phe nhóm, “cánh hẩu”..., được các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, vấn nạn chạy chức, chạy quyền như khối "ung nhọt" mà ở thời nào, xã hội nào cũng có. Việc ra Quy định trên không chỉ thể hiện quyết tâm chấn chỉnh công tác cán bộ, mà đó còn là lời tuyên chiến mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trước vấn nạn chạy chức, chạy quyền.

Điểm đặc biệt ở cuộc chiến đấu lần này với tiêu cực trong công tác cán bộ là Đảng đã nhận diện, xác định rất cụ thể và nghiêm cấm 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, trong đó có: “Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người”.

Song điều nhân dân cả nước và dư luận trông đợi hơn nữa, sau khi có Quy định 205-QĐ/TW là việc cụ thể hóa và thực hiện trong thực tế để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Đảng và Nhà nước có những giải pháp cụ thể, cấp bách, tạo những bước “đột phá” mang tính căn bản và toàn diện để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực.

Mong đợi của các tầng lớp nhân dân là Nhà nước rất cần có các cơ chế công khai, khách quan, minh bạch hơn nữa trong thi tuyển cán bộ, tạo cơ hội cho tất cả ứng viên trình bày chương trình hành động về vị trí công việc, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được lựa chọn. Người tài, đức sẽ được lựa chọn để gánh vác việc nước!

Theo TTXVN

Bài 3: Liều thuốc mạnh trị bệnh ác tính “Tư duy nhiệm kỳ”