Quyết liệt nói không với rác thải nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 10:55, 09/10/2019

Không sản xuất, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay đổi thói quen trong sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong sản xuất, sinh hoạt...

Đây là vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Phòng chống rác thải nhựa" do tỉnh Hưng Yên tổ chức ngày 8.10.

Báo động đỏ 

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều nêu rõ tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa trên địa bàn Hưng Yên đang ở mức báo động ở cấp rất nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất bao bì và các sản phẩm nhựa.

Đáng chú ý, 2 làng nghề tái chế nhựa trở thành nơi tập kết rác thải quy mô lớn là thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) và thôn Phan Bôi, phường Dị Sử (thị xã Mỹ Hào).

Hai làng nghề này có khoảng 500 hộ hoạt động sản xuất tái chế nhựa, công suất từ 500 - 1.000 tấn/ngày. Đây là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường từ nhiều năm qua.

Riêng thôn Minh Khai hiện có hơn 80% số hộ làm nghề tái chế nhựa, tạo công ăn việc làm cho hơn 6.400 lao động. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa tại đây diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày.

Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu không được thu gom, xử lý an toàn mà được tập kết tại các khu đất trống, các đường đi. Nước thải phát sinh không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm. Do vậy, tình trạng ô nhiễm trầm trọng luôn là vấn nạn đe dọa môi trường sống của người dân.

Tại làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, việc sản xuất nhựa phế liệu đang gia tăng kéo theo ô nhiễm môi trường ngày một nan giải. Cả thôn hiện có hơn 100 hộ làm nghề tái chế nhựa.

Việc tái chế diễn ra trong các hộ gia đình, sau đó phân loại, xay nhựa, phơi nhựa, nước thải và cặn bã từ quá trình xay rửa phế liệu không qua xử lý, được xả thẳng ra các cống nước tiêu, kênh mương xung quanh. Do môi trường ô nhiễm, từ nhiều năm nay thôn Phan Bôi mỗi năm có trên dưới 40 người chết vì ung thư.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, hiện nay lượng rác thải nhựa được tái sản xuất và xử lý còn quá ít so với lượng rác thải trên địa bàn.

Ước tính rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình ở Hưng Yên là 650 tấn/ngày thì lượng chất thải nhựa thải ra môi trường là 6 tấn/ngày. Trong đó khoảng 5% rác thải nhựa được tái sản xuất, 12% rác thải nhựa bị đốt, số còn lại thành rác thải.

Nguồn rác thải này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân.

Vì môi trường trong lành không rác thải nhựa

Về các giải pháp phòng, chống rác thải nhựa, ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, trên địa bàn hiện có 10/10 huyện, thị xã, thành phố và gần 20 cơ quan đơn vị đang tích cực thực hiện phong trào phòng, chống rác thải nhựa; có gần 170 mô hình "Phế liệu sạch" với phương thức các hộ gia đình tự thu gom phân loại rác thải để tái chế.

Phong trào "Nói không với rác thải nhựa" bước đầu được các đoàn thể tham gia rất thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực.

Điển hình như: Đoàn thanh niên duy trì hoạt động làm sạch môi trường mỗi tháng 1 lần tại khu vực 2.000 công trình thanh niên; Hội Nông dân lắp đặt 40 bể thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng; các đoàn thể của TP Hưng Yên hàng tuần đều tổ chức ngày thứ 6 xanh sạch đẹp; Hội Phụ nữ các cấp nhân rộng được 80 câu lạc bộ "phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon".

Các huyện Khoái Châu, Ân Thi và TP Hưng Yên duy trì mô hình ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM để sản xuất nước rửa bát, nước giặt tẩy.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần chung tay thống nhất hành động bảo vệ môi trường, tích cực vào cuộc chống rác thải nhựa trên địa bàn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, dần loại bỏ việc sản xuất các sản phẩm nhựa, hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tỉnh cũng kêu gọi người dân thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, kiên quyết "nói không với rác thải nhựa", không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần được sản xuất từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, ngành chức năng tuyên truyền đẩy mạnh việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nhà; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên chức và người dân. Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50% số hộ dân thực hiện hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Theo TTXVN