Thổ Nhĩ Kỳ với nguy cơ ''gậy ông đập lưng ông''

Bình luận - Ngày đăng : 15:04, 10/10/2019

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria, mà Ankara gọi là “Hòa bình mùa Xuân” bắt đầu từ chiều 9.10 đã gây ra những hậu quả tàn khốc đầu tiên.


Khói bốc lên sau cuộc oanh tạc của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở thị trấn Tal Abyad (Syria) ngày 9.10. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thống kê sơ bộ cho biết hàng chục dân thường đã thiệt mạng và bị thương chỉ trong ngày đầu của cuộc tấn công này. Hàng nghìn người ở khu vực sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chạy nạn.

Những mối đe dọa xuất phát từ hành động quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria, gây bất ổn an ninh khu vực, làm xói mòn nỗ lực chống khủng bố, khiến tình hình gia tăng căng thẳng, phá hoại tiến trình hòa bình ở Syria... khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ, cho đây là hành động vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 10/10 để thảo luận về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. 

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đe dọa sẽ tiến hành chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria nhằm vào lực lượng người Kurd, đặc biệt là các thành viên Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn được Mỹ coi là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, nhưng bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ luôn bất đồng về vấn đề này, bất chấp hai bên đã nhất trí thiết lập cái gọi là "vùng an toàn" ở Đông Bắc Syria, kế hoạch mà Washington cho là có thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào khu vực này sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Trung Đông cuối năm 2018. Ankara đề nghị thiết lập vùng an toàn 32 km sâu bên trong lãnh thổ Syria, phía Đông sông Euphrates, song nhấn mạnh YPG phải bị loại khỏi khu vực này. 

Đối với Ankara, vấn đề người Kurd luôn được xem là hết sức nhạy cảm bởi những ân oán từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì đã phát động cuộc đấu tranh bạo lực từ năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, cuộc xung đột vũ trang liên quan tới PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 thập niên khiến trên 40.000 người thiệt mạng.

Tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK nhiều lần được khởi động rồi lại bị đình trệ, bất chấp hai bên từng đạt một loạt thỏa thuận ngừng bắn. Kể từ tháng 7.2015, khi thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng giữa hai bên đổ vỡ, Ankara đã tăng cường hoạt động truy quét lực lượng người Kurd. Không chỉ trấn áp các tay súng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội nước này còn tiến hành không kích các vị trí của PKK tại vùng núi miền Bắc Iraq, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như mở chiến dịch "Nhành Ô liu" nhằm vào nhóm YPG, nhánh vũ trang của PKK, và đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) ở miền Bắc Syria. 

Ankara lâu nay luôn cho rằng những gì người Kurd đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập "một nhà nước" của riêng mình, sát vách Thổ Nhĩ Kỳ, đe dọa an ninh của Ankara. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Syria bất ổn, khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria bị coi như "cái gai" trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới phân tích nhận định một trong những mục tiêu chiến lược của Ankara khi can dự vào tình hình Syria cũng xuất phát từ tham vọng muốn "xóa sổ" khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc nước này. Mở chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd ở Syria là kế hoạch đã được trù tính từ lâu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có ý kiến cho rằng bên cạnh lý do an ninh, việc chọn thời điểm này để tấn công người Kurd cũng là để giải quyết những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với một loạt thách thức khi tình hình kinh tế đất nước đang ngày càng xấu đi, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đang tăng cao. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan đã hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử địa phương tháng 3 vừa qua, đặc biệt tại thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul, khiến uy tín và "chiếc ghế" của ông lung lay.

Trong khi đó, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng 3,6 triệu người tị nạn Syria mà Ankara đang phải cưu mang chính là gánh nặng kinh tế lớn và việc giải quyết vấn đề này từng là cam kết lúc tranh cử song chưa thực hiện được, khiến đảng của ông Erdogan bị mất rất nhiều phiếu. Chiến dịch tấn công để đánh bật người Kurd ở miền Bắc Syria được coi là “một công, đôi việc”, vừa giúp ông Erdogan khôi phục uy tín, vừa thực hiện được kế hoạch thiết lập khu vực cho người tị nạn Syria hồi hương về đây.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Đông Bắc Syria vô hình trung đã "dọn đường" để Thổ Nhĩ Kỳ thuận lợi hiện thực hóa kế hoạch trên. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng được cho là nhằm phục vụ mục tiêu chính trị khi ông Trump đã chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2020, nhất là khi vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề Syria thời gian qua có phần "lu mờ" so với các cường quốc khác như Nga.

Cũng có ý kiến cho rằng việc Mỹ điều chỉnh chính sách tại Syria theo hướng giảm hiện diện quân sự, cũng như tuyên bố rút quân khỏi Đông Bắc Syria là một bước đi có tính toán và nằm trong một thỏa thuận "mặc cả" với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Mỹ muốn cải thiện quan hệ với một quốc gia đồng minh có vị trí chiến lược quan trọng ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh Ankara gần đây có dấu hiệu xích lại gần Nga.


Người dân Syria sơ tán sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria, ngày 9.10. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể thấy cho dù với bất kỳ lý do gì thì hành động leo thang quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại đông bắc Syria cũng sẽ tạo ra tiền lệ xấu, bởi việc đưa quân vào lãnh thổ Syria mà không được sự cho phép của chính quyền Damascus bị coi là vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng.

Giới phân tích khu vực cho rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria sẽ chỉ thu được những thành quả ngắn hạn và sẽ phải trả giá đắt hay chính xác hơn là "lợi bất cập hại”. Hình ảnh và uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị sa sút nghiêm trọng do hành động tấn công quân sự trên. Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của các nước trong khu vực, Ankara có thể bị cô lập về ngoại giao, đặc biệt là trong khối các nước Arab. Ankara cũng có nguy cơ phải hứng chịu lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể bị loại khỏi tiến trình hòa bình Astana về Syria mà Ankara là thành viên chủ chốt và có tiếng nói nhất định bên cạnh Nga và Iran.

Bên cạnh đó, Ankara có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài và sẽ hao tổn nhiều công sức, bởi lực lượng người Kurd vốn thông thạo địa hình ở miền Bắc Syria và từng phối hợp hiệu quả với liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống IS, là lực lượng có đóng góp lớn vào việc đánh bại IS trên thực địa.

Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào tình hình Syria có thể khiến cuộc xung đột ở nước này ngày càng khó chấm dứt. Giao tranh và xung đột kéo dài càng gây bất ổn, trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các phần tử khủng bố, cực đoan trong khu vực, đặc biệt là tàn quân IS, gia tăng hoạt động, tạo ra mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria cũng đang giam giữ hàng nghìn chiến binh IS, trong đó có nhiều người mang hộ chiếu châu Âu.

Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu người Kurd buộc phải thả khoảng 10.000 đối tượng IS mà họ đang giam giữ ở miền Bắc Syria, khi không cầm cự nổi trước cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd có thể sử dụng “quân bài” này để chứng minh rằng Ankara không có đủ năng lực ngăn chặn mối đe dọa từ các phần tử khủng bố và khi ấy “gậy ông sẽ đập lưng ông”. Dòng người tị nạn từ vùng Đông Bắc Syria nhiều khả năng lại tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành nguồn cơn của tình trạng rối loạn và bất ổn xã hội cho chính Ankara.

Đó là chưa kể chiến dịch chống lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria càng khiến mâu thuẫn liên quan tới người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thêm trầm trọng. Lực lượng người Kurd ở Syria có khả năng sẽ nhận được sự tiếp viện từ lực lượng người Kurd ở Iraq hay ở Thổ Nhĩ Kỳ để liên kết cùng chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và khi ấy các cuộc giao tranh có nguy lan sang cả nước láng giềng Iraq hay khu vực Trung Đông.

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurd ở Đông Bắc Syria còn có thể  "kích hoạt" những hoạt động quân sự đáp trả và sự can dự của một số bên, làm phức tạp thêm tình hình an ninh khu vực Trung Đông, kéo theo nhiều hệ quả khó lường hơn nữa.  

Theo TTXVN