Để không thiếu thịt lợn

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:40, 11/10/2019

Việc bổ sung đầu lợn hậu bị, tăng tổng đàn nhằm “kích cung” nguồn thực phẩm thịt lợn nội địa là cần thiết lúc này.


Những hộ tái đàn lợn cần bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học 

Ipsos Business Consulting (công ty về lĩnh vực nghiên cứu thị trường) dự báo đến cuối năm nay, Việt Nam có thể thiếu khoảng 500.000 tấn thịt lợn hơi, tương đương thiếu 20% so với nhu cầu của thị trường.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định con số này còn ở mức cao hơn, khoảng 30 - 40% so với yêu cầu vào dịp Tết Nguyên đán tới.

Nguyên nhân do thời gian qua xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, cả nước phải tiêu hủy đến 4 triệu con lợn, dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt, giá thực phẩm leo thang. Tại các tỉnh phía nam, giá thịt lợn hơi dao động từ 41.000 - 44.000 đồng/ kg, ở các tỉnh phía bắc từ 46.000 - 48.000 đồng/kg. Có nơi giá thịt lợn hơi còn cao hơn (tới 57.000 đồng/kg). Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo thịt lợn hơi có thể tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/kg trong năm nay.

Dịch tả lợn châu Phi khiến cho người tiêu dùng có thời điểm quay lưng với thịt lợn, còn người chăn nuôi ngao ngán vì thua lỗ, phá sản. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam khuyến cáo bổ sung nguồn thịt bò trong bữa ăn hằng ngày, thay vì nguồn thực phẩm thịt lợn đang bị thiếu hụt.

Thế nhưng, tập quán và thói quen của người Việt đâu dễ bỏ. Số đông người dân vẫn coi thịt lợn là thực phẩm phù hợp với bữa ăn của gia đình, về cả giá mua và dinh dưỡng.

Vì vậy, việc bổ sung đầu lợn hậu bị, tăng tổng đàn nhằm “kích cung” nguồn thực phẩm thịt lợn nội địa là cần thiết lúc này.

Nhưng, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, việc tái đàn lợn cần hết sức thận trọng, chỉ tái đàn khi bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học. Một điều nữa là, khi "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi đi qua, việc bảo đảm "cung - cầu" trong chăn nuôi lợn cần phải được đặt lên hàng đầu.

Chỉ khi nào “cung” cân đối với “cầu”, người chăn nuôi đầu tư ổn định, đầu ra có bao tiêu sản phẩm thì bài toán “kích cung” của chăn nuôi mới thực sự được giải đáp.

Việc này rất cần tới sự định hướng của cả ngành công thương và nông nghiệp. Chỉ khi nhà quản lýnhà khoa học-nhà kinh doanh-nhà sản xuất tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị thì ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng mới có cơ hội phát triển ổn định, bền vững.

TRẦN LƯU LOÁT (TP Hải Dương)