Cách mạng công nghiệp 4.0: Thời cơ và thách thức của doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 12/10/2019

Nhiều chủ doanh nghiệp Hải Dương ưu tiên đầu tư máy móc, dây chuyền tự động, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh...


Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu của Công ty CP Việt Đức giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0) diễn ra mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Hải Dương đã và đang ưu tiên đầu tư máy móc, dây chuyền tự động, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ động đón đầu cơ hội

Đầu tháng 10, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương chính thức sử dụng máy khoan kích ống ngầm để thi công hệ thống thoát nước tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên công ty sử dụng loại máy này để lắp đặt ống. Máy kích ống ngầm sử dụng thủy lực công suất lớn để đẩy các đốt ống bê tông đặc biệt xuyên vào trong lòng đất, giúp thay thế lao động thủ công, chống đỡ đất tốt hơn và có khả năng đẩy ống dài theo nhiều hướng. Nhờ đầu tư công nghệ hiện đại nên công ty đã có đủ năng lực để tham gia đấu thầu thi công các công trình lớn, kỹ thuật phức tạp.

Có được kết quả này là nhờ sự năng động, chủ động tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại của lãnh đạo DN. Hơn 15 năm qua, kể từ khi cổ phần hóa, lãnh đạo công ty luôn chú trọng đổi mới công nghệ. Đơn vị đã đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật thả rồng định vị đáy sông, trải thảm lòng sông, sử dụng kỹ thuật và công nghệ đóng cọc bê tông trên nhiều địa hình phức tạp. Ông Trần Văn Cường, Tổng Giám đốc công ty cho biết: "Chúng tôi luôn xác định DN muốn phát triển mạnh và bền vững thì phải đổi mới. Nhiều năm qua, chúng tôi đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng CN 4.0, công ty luôn ưu tiên đầu tư máy móc tự động, công nghệ hiện đại”.

Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường và theo các DN nước ngoài đi xây dựng công trình, năm 2016, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Đức ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã đầu tư 500 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất tự động gạch ốp lát cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu từ Italia. Với việc đầu tư công nghệ tự động mới, công ty đã giảm được 50% số lao động và nâng công suất lên gấp đôi, từ 3 triệu m2 gạch ốp lát/năm lên 6 triệu m2 /năm. Theo tính toán, trong 3 năm tới, công ty sẽ giảm được 70% số lao động, giá bán sản phẩm dự kiến sẽ giảm 30% so với hiện nay.

“Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều nước tôi nhận thấy thế giới đang đổi thay mạnh mẽ nhờ công nghệ tự động. Yêu cầu của con người về chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Áp dụng vào DN mình, tôi thấy việc sản xuất gạch thủ công sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường", ông Truyền chia sẻ. Vì thế, Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Đức đã quyết định đầu tư dây chuyền mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạch đi các nước Canada, Australia, Hàn Quốc. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Mỹ.

Năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật cao Nam Phong ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) được thành lập. Đây là DN đầu tiên của tỉnh sản xuất máy in 3D và sản xuất ra sản phẩm từ chính công nghệ in hiện đại này. Dù mới đi vào sản xuất chưa lâu nhưng hiện nay công ty đã ký được nhiều hợp đồng với các DN trong và ngoài nước. Anh Trần Khoa Phong, Giám đốc điều hành công ty là người có nhiều năm hoạt động và tìm hiểu về lĩnh vực in 3D. Anh Phong nhận thấy ứng dụng in 3D sẽ thịnh hành, phát triển mạnh mẽ trong tương lai do công nghệ này giúp biến ý tưởng của con người thành hiện thực. “Để sáng tạo ra máy in 3D và sản xuất ra các sản phẩm từ công nghệ in 3D, tôi phải nghiên cứu nhiều năm. Tôi đã đến nhiều nước để tham quan, nghiên cứu, hội thảo khoa học kỹ thuật về máy in 3D. Chúng tôi đã thành công nhưng để tồn tại và phát triển, công ty luôn xác định phải liên tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cấp công nghệ”, anh Phong nói.


Rô bốt tự hành của Công ty CP Nhựa An Phát xanh (Tập đoàn An Phát Holdings) có thể tự chuyển hàng đến các khu vực đã được định vị sẵn

Điều kiện sống còn

Trong cuốn sách The Fourth Industrial Revolution (Cuộc cách mạng CN 4.0), Giáo sư Klaus Schwab, tác giả cuốn sách đã chỉ rõ cuộc cách mạng CN 4.0 được thúc đẩy bởi sản xuất thông minh, rô bốt, trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật. Xu hướng sản xuất của CN 4.0 bao gồm công nghệ sản xuất 360°, công nghệ in 3D, sản xuất trên hệ thống tự động, xây dựng các nhà máy thông minh, sử dụng công nghệ điện toán đám mây và sử dụng rô bốt.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng này. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng CN 4.0. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cuộc cách mạng này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết khẳng định, chủ động tham gia cách mạng CN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, các DN Hải Dương đã bước đầu tiếp cận và xây dựng chiến lược kinh doanh mới trong thời kỳ cách mạng CN 4.0. Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết mặc dù số lượng DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều nhưng không ít đơn vị có tầm nhìn đã chủ động đón đầu về công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn DN chưa hiểu rõ về cách mạng CN 4.0 nên chậm đổi mới, không bắt kịp với xu thế.

Cách mạng CN 4.0 có ý nghĩa quan trọng, đem lại cơ hội và thách thức cho DN. Bên cạnh chính sách, định hướng của các cấp chính quyền, DN, doanh nhân cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt kịp thời, đầu tư, áp dụng các công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

THÀNH LAN