Vươn lên từ nguồn vốn địa phương hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 08:19, 12/10/2019
Ninh Giang tạo điều kiện để người nghèo có cơ hội vươn lên từ nguồn vốn hỗ trợ địa phương
Giai đoạn 2015-2019, UBND huyện Ninh Giang đã bố trí 874 triệu đồng ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người thuộc diện chính sách vay để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Nguồn vốn được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, từng bước mang lại hiệu quả tích cực.
Thoát nghèo
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhang ở đội 8, thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực từng là một trong những hộ nghèo của huyện. Một mình bà gồng gánh, chăm sóc mẹ già đã 95 tuổi khi chồng mất sớm, con trai mắc bệnh tâm thần. Có 1 sào ao nhưng bà phải chạy vạy khắp nơi để có tiền mua cá giống. Do là tù, không có nguồn nước ra vào, cá nuôi mãi không lớn. Bà Nhang kể: "Ngày đó phải mất 2-3 năm tôi mới thu hoạch được 1 mẻ cá để bán. Cá bé và ao tù nên thương lái trả giá rất thấp. Sau khi trừ hết chi phí, thu nhập còn lại chẳng đáng là bao".
Được sự động viên và hướng dẫn của cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu năm 2017, bà Nhang đã đăng ký vay vốn. Bà vay 40 triệu đồng để lấp ao, cải tạo lại đất trồng ổi. Năm 2018, vườn ổi cho thu hoạch 2 vụ (tháng 2 và tháng 9) với năng suất 5 tạ/vụ. Đến nay, với thu nhập 2 triệu đồng/tháng, gia đình bà Nhang đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, cuộc sống dần ổn định.
Năm 2015, bà Nguyễn Thị Kim Oanh ở xóm 3, thôn Ứng Mộ, xã An Đức đăng ký vay vốn dành cho hộ cận nghèo tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số vốn 40 triệu trong tay, gia đình bà cải tạo, xây kè bờ ao và mua cá giống. Vụ cá năm 2018, bà thu hoạch được hơn 3 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 15 triệu đồng. "Trước khi vay vốn, tôi chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi lợn. Do chồng mất sớm nên kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào tôi. Thu nhập bấp bênh từ 6 sào ruộng và 2 con lợn nái không đủ để trang trải cuộc sống", bà Oanh kể.
Hiện gia đình bà Oanh đã thoát khỏi danh sách các hộ cận nghèo. Bà tiếp tục đầu tư nuôi thêm 1 con bò cái. Với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình bà Oanh từng ngày tốt lên.
Ý nghĩa của nguồn vốn nhỏ
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Giang, giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách dù bằng nguồn vốn của Trung ương hay địa phương thì các hộ vay đều phải bảo đảm đúng quy định chung như đối tượng vay, mục đích sử dụng vốn… Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay từ huyện ủy thác thể hiện sự quan tâm của địa phương với hộ nghèo và người thuộc diện chính sách, tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo. Đến ngày 30.9.2019, tổng nguồn vốn của Trung ương phân bổ về là trên 349 tỷ đồng, tổng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh trên 2,7 tỷ đồng. Mặc dù nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện chỉ chiếm 0,25% trong tổng cơ cấu nguồn vốn nhưng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Tầng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: Với mục tiêu bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách, nhất là tạo lập nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, UBND huyện luôn chủ động, tạo điều kiện trích nguồn ngân sách huyện ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn để hỗ trợ kịp thời, giúp các hộ nghèo và gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống.
HÀ KIÊN