Khó tuyển vận động viên kế cận

Trong tỉnh - Ngày đăng : 13:08, 12/10/2019

Nhiều năm nay, việc tuyển chọn VĐV kế cận một số môn thể thao của tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch huấn luyện và thi đấu.


Cả 3 tuyến của đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh đều đang thiếu người

Người có nhưng khó cạnh tranh

Khoảng 10 năm trở lại đây, đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển chọn VĐV kế cận. Mỗi năm 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 2-3 tháng, các tuyển trạch viên của đội tuyển này phải vất vả đi đến rất nhiều nơi ở cả trong và ngoài tỉnh để tìm người nhưng không phải lúc nào cũng hoàn thành kế hoạch đặt ra. Năm 2018, đội được giao tuyển 12 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 9 VĐV.

"Năm 2019 chúng tôi vẫn còn thiếu 8 chỉ tiêu nữa. Từ nay đến ngày 30.11, anh em tiếp tục phải đi tuyển nhưng không biết kết quả thế nào. Nhiều lần đặt mục tiêu nhưng chưa lần nào như ý", anh Phạm Đức Dũng, phụ trách bộ môn bóng chuyền của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh nói.

Anh Dũng cho biết nguồn VĐV kế cận không hiếm nhưng tuyển được người không dễ do phải cạnh tranh với các đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh hơn.

Một số Câu lạc bộ bóng chuyền như Kinh Bắc (Bắc Ninh), Đức Giang (Hà Nội), Thông tin LienVietPostbank, Ngân hàng Công thương... những năm gần đây đã mở rộng địa bàn tìm kiếm VĐV tiềm năng ra nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Dương.

Không chỉ có lực lượng chuyên trách, họ còn cài cắm "vệ tinh" và sẵn sàng thưởng nóng từ 5-10 triệu đồng cho những ai có công phát hiện VĐV đủ tiêu chuẩn. Họ làm việc trực tiếp với gia đình, có kinh phí lót tay và thậm chí là cam kết về một tương lai ổn định cho VĐV nên tỷ lệ tuyển người thành công rất cao.

Đội tuyển bóng chuyền tỉnh cũng cài cắm "vệ tinh" ở các nơi nhưng chỉ thưởng nóng cho những ai phát hiện ra VĐV tiềm năng 1 triệu đồng. Chế độ đãi ngộ thấp khiến nhiều "vệ tinh" của đội tuyển bóng chuyền tỉnh ta lật kèo và nhận lời làm cho các đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh hơn.

Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh cho biết trước năm 2012, tuyển chọn VĐV kế cận rất thuận lợi do chưa phải cạnh tranh. Từ đó đến nay, việc này ngày càng khó khăn hơn.

Không chỉ có bóng chuyền nữ mà nhiều đội tuyển thể thao khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm 2019 sắp kết thúc nhưng hiện nay nhiều đội tuyển thể thao tỉnh vẫn đang thiếu chỉ tiêu là đua thuyền truyền thống thiếu nhiều nhất với 13 VĐV, bóng chuyền nam thiếu 4 VĐV, boxing thiếu 2 VĐV...

Ngoài yếu tố cạnh tranh, việc tuyển chọn VĐV kế cận ở nhiều đội tuyển thể thao tỉnh gặp khó khăn còn do một số nguyên nhân khác. Mặc dù hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành một VĐV chuyên nghiệp nhưng bố mẹ lại không cho theo con đường thể thao.

Họ lo con mình sẽ không có tương lai ổn định. Hơn nữa, mức thu nhập của một VĐV thể thao hiện không cao bằng lương công nhân phổ thông, điều này cũng khiến nhiều gia đình không muốn cho con em mình theo nghiệp thể thao.

Nhiều người cho rằng thà để con đi làm công nhân với thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/ tháng còn hơn là mạo hiểm theo thể thao nhiều may rủi. Cơ sở vật chất tại các trung tâm thể thao của tỉnh xuống cấp, chật chội, không đáp ứng được yêu cầu cũng là nguyên nhân không thu hút được các VĐV.

Có nhiều phụ huynh đồng ý cho con gia nhập các đội tuyển thể thao của tỉnh nhưng khi lên thấy nơi ở chật chội, điều kiện tập luyện kém nên không muốn con ở lại...

Cần cơ chế hỗ trợ

Bình quân mỗi năm, Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh được giao tuyển 320 VĐV nhưng thực tế chỉ thực hiện được khoảng 90% kế hoạch.

Khó tuyển VĐV kế cận ảnh hưởng rất lớn tới xây dựng lực lượng, kế hoạch huấn luyện, thành tích thi đấu, khó duy trì tính kế thừa ở các môn thể thao.

Do phải cạnh tranh trong tuyển chọn lực lượng nên chất lượng đầu vào của VĐV kế cận hạn chế. Nhiều trường hợp đã được gọi vào đội tuyển nhưng về sau không đáp ứng được yêu cầu nên phải loại bỏ.

Bà Cao Thị Như Lan, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh thừa nhận tiềm lực hạn chế khiến việc tuyển VĐV kế cận ở tỉnh ta khó cạnh tranh với các đơn vị khác.

Tất cả các môn thể thao trong tỉnh hiện nay chỉ có môn bóng chuyền áp dụng cơ chế hỗ trợ cho những người có công phát hiện VĐV kế cận bảo đảm yêu cầu, song mức hỗ trợ chỉ 1 triệu đồng/trường hợp, thấp hơn nhiều so với chế độ đãi ngộ của các đơn vị khác. Các môn thể thao còn lại không có cơ chế hỗ trợ này.

"Tỉnh ta cần có một cơ chế hỗ trợ lớn hơn, đồng đều ở tất cả các môn thì công tác tuyển chọn VĐV kế cận mới hiệu quả", bà Lan kiến nghị.

Theo huấn luyện viên một số đội tuyển thể thao tỉnh, chế độ lương, đãi ngộ đối với VĐV thể thao ở tỉnh ta chưa tương xứng, còn thấp so với một số tỉnh, thành phố lân cận.

Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách bảo đảm chế độ về lương, thưởng và có định hướng lâu dài cho VĐV để họ yên tâm cống hiến. Làm được như vậy, việc tuyển chọn VĐV kế cận sẽ thuận lợi hơn, góp phần đưa sự nghiệp thể thao của tỉnh vươn tầm trong tương lai.

BÌNH MINH