Mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng
Tin tức - Ngày đăng : 14:59, 12/10/2019
Bài báo "Dân vận" đăng trên báo Sự thật, số 120
70 năm đã trôi qua nhưng bài viết của Người vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng.
Bao quát toàn diện các vấn đề về công tác dân vận
Bài báo "Dân vận" ra đời ở thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cầm cự, chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc.
Mở đầu bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại” (1). Từ đó, Bác nêu lên bốn vấn đề lớn liên quan đến dân vận, bao gồm: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?
Trước hết, khẳng định “Nước ta là nước dân chủ”, Bác đưa ra sáu nội hàm, rồi tóm lại: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong bảy dòng ngắn gọn của phần đầu tiên này, chữ “dân” được Bác nhắc tới bảy lần nhằm nhấn mạnh trong Nhà nước này, lợi ích, quyền hành, trách nhiệm, lực lượng đều ở nơi dân, có dân là có tất cả. Nhờ bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đi theo Đảng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công.
Trong lịch sử dân tộc, quan điểm “Nước lấy dân làm gốc” đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước.
Năm 1010, Thái Tổ Hoàng đế trong “Chiếu dời đô” đã viết: “Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi...”.
Đến thời Hưng Đạo Vương cũng chủ chương dựa vào sức dân để xây dựng và bảo vệ đất nước: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”; và Nguyễn Trãi - Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới cũng đã viết: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc” và “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Từ sự kế thừa truyền thống của dân tộc, nghiên cứu lịch sử thế giới và sự trải nghiện sâu sắc trong suốt 30 năm bôn ba xứ người, Bác đã tổng kết và đưa ra một chân lý: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Sau khi khẳng định vai trò to lớn, quan trọng của nhân dân, ở phần thứ hai, Bác đã lý giải cụ thể khái niệm “Dân vận là gì?”. “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho” (2).
Khái niệm này cũng thống nhất với tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt quá trình cách mạng nước ta, đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành một nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Do đó, tinh thần đại đoàn kết phải được quán triệt sâu sắc trong công tác dân vận bằng việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân.
Bác còn nhấn mạnh: “Dân vận, không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ” (3) mà “phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” (4) và “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng dân đặt kế hoạch..., rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành” (5)...
Trong phần thứ ba, Bác chỉ rõ “Ai phụ trách dân vận?”. Đó là “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận” (6).
Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ chính quyền có chức năng ra quyết định về chính sách, về nhân lực và thực hiện chính sách ấy. Chính quyền còn có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội để làm tốt công tác dân vận.
Cùng với cán bộ chính quyền, cán bộ đảng, cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội đều phải phụ trách dân vận. Cán bộ thì phải sâu sát, gắn bó với nhân dân, phải gương mẫu trước nhân dân, giúp nhân dân phát triển sản xuất.
Ở nội dung lớn thứ tư, Bác viết về phương pháp làm dân vận - “Dân vận phải thế nào?”. Bác đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (7). Sáu tiêu chí mà Bác đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận, vừa là phương pháp làm dân vận có hiệu quả.
Bác nhắc nhở cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” mà phải “thật thà nhúng tay vào việc”. Nghĩa là phải khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, mà phải quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác cũng thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (8), cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo.
Kết thúc bài viết, Bác đưa ra một tổng kết vô cùng quan trọng về cả lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (9). Đó là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc: tất cả từ dân, vì dân và cho dân, có dân là có tất cả. Do đó, nơi nào làm dân vận tốt thì nhiệm vụ khó mấy cũng hoàn thành, nơi nào làm dân vận không tốt thì khó mà có được thành công.
Có thể thấy, chỉ bằng gần 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng Bác đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng. Chính vì tầm vóc to lớn đó của bài viết, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15.10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là ngày Dân vận của cả nước.
Mãi soi đường cho công tác dân vận của Đảng
Trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta quán triệt và thực hiện quan điểm “ Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, tập hợp, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với tinh thần “không để sót một người dân nào”, trong những năm qua, nhiều tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp mang tính tập hợp quần chúng rộng rãi, ngày càng được xây dựng và phát triển sâu rộng trên cả nước. Tỷ lệ quần chúng tham gia các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng cao và đã hoàn thành xuất sắc nhiều “việc nên làm”, “việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, thời gian qua, nhiều mô hình dân vận hiệu quả đã xuất hiện ở các địa phương, đơn vị. Đặc biệt là các mô hình trong phong trào “Dân vận khéo” đã mang lại kết quả to lớn, thiết thực trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng...
Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, nổi bật là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng trang trại, phát triển các làng nghề, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, điển hình là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh-Sạch-Đẹp”, “Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Lĩnh vực an ninh-quốc phòng cũng có nhiều mô hình hay như: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, “Tiếng kẻng phòng gian”, “Điểm sáng vùng biên”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”...
Có thể thấy, hiệu ứng tích cực bước đầu của phong trào hiến giác mạc, hiến tạng ở người chết não, hay sức lan tỏa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với những điển hình được ghi nhận về các tấm gương người tốt việc tốt, sản xuất kinh doanh giỏi, đền ơn đáp nghĩa... là thành quả được nhân rộng từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, công tác dân vận gắn chặt với cơ sở...
Những công dân thời đại mới đầu tiên trong dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch các xã nghèo bất chấp khó khăn từ thực tế là bằng chứng rõ ràng thể hiện “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, lăn xả vào công việc, “ba cùng” theo tinh thần của lớp thanh niên thời đại.
Ngày nay, cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng khu vực và thế giới, vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định. Trong bối cảnh đó, vai trò của công tác dân vận ngày càng cần thiết hơn.
Việc “giải thích cho dân hiểu” đã được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết số 25-NQ/TƯ khóa XI về công tác dân vận: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội”. Về hành động của người làm công tác dân vận chính là phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Để làm được điều này, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì dân. Mọi quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân...
70 năm đã trôi qua, nhưng tư tưởng dân vận trong tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Học tập và vận dụng tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là việc làm quan trọng, vừa cần thiết, vừa cơ bản, lâu dài.
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (9): Trích “Dân vận”, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232-234
(8): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.284
Theo TTXVN