Công dân 4.0
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:52, 13/10/2019
Giám đốc một doanh nghiệp ở huyện Kim Thành kể rằng tuyển dụng lao động khó khăn, năng suất lao động thấp đã khiến anh quyết định bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua chiếc máy khoan, cắt tự động từ châu Âu để phục vụ sản xuất.
Những tưởng có máy hiện đại thì năng suất sẽ cao, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn. Nhưng khi mua máy về, công nhân của anh lại không thể sử dụng được vì máy này điều khiển tự động bằng một phần mềm trên máy tính.
Vậy là chiếc máy hơn 1 tỷ đồng đã phải "đắp chiếu" chờ người có khả năng.
Đây là câu chuyện mà không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã gặp phải. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất có hiện đại, tự động đến đâu nhưng không có người biết sử dụng nó thì doanh nghiệp khó có thể bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0).
Nguyên nhân do mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 của doanh nghiệp ta còn thấp.
Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được chỉ ra trong Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành cuối tháng 9 vừa qua.
Ở tỉnh ta không chỉ các doanh nghiệp mạnh dạn đưa công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 vào phục vụ sản xuất, kinh doanh mà ngay ở các cơ quan nhà nước, công nghệ 4.0 cũng đang dần phổ biến.
Mới đây, ngày 1.10, UBND tỉnh đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến. Trước đó, Kỳ họp HĐND tỉnh không giấy cũng đã được triển khai thực hiện.
Hệ thống giám sát các thông số môi trường nước thải, khí thải bằng công nghệ GSM/GPRS cho các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh cũng đang được thực hiện ở nhiều nơi.
Ngay trong nông nghiệp, một số nông dân đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động; sử dụng hệ thống quan trắc, cảnh báo chất lượng nước ao nuôi cá qua phần mềm cài đặt sẵn trên điện thoại...
Tuy vậy, nếu không có người đủ năng lực để sử dụng các thiết bị, phần mềm này thì khó áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn.
Không thể để con người, chủ thể lao động làm chậm lại tiến trình phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Đất nước cần có những công dân năng động, chịu khó học hỏi, không đi sau, lạc hậu hơn so với công nghệ.
Để làm được điều này phải bắt đầu từ chính sách giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh, sinh viên cần được tiếp cận với công nghệ hiện đại, sử dụng thành thạo máy tính.
Các trường nên khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia sáng kiến, thiết kế, sáng tạo các phần mềm có thể đưa vào ứng dụng trong đời sống.
Bản thân mỗi người phải chủ động học hỏi, thích ứng với các yêu cầu mới. Nhân công giá rẻ không còn là ưu thế của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Bởi Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ phải đối diện với máy móc thông minh làm thay thế con người, dần thực hiện những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại...
Vì vậy, người lao động cần chủ động học tập, nâng cao trình độ để quản lý những cỗ máy thông minh đó.
Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức cần quan tâm nâng cao trình độ, hiểu biết để đáp ứng được yêu cầu đổi mới nhanh của cách mạng 4.0 mà người dân cũng cần tìm hiểu để có thể ứng dụng, sử dụng linh hoạt, phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ từng ví con người và công nghệ như chìa khóa và ổ khóa, phải tương thích với nhau. Do đó, cách mạng 4.0 sẽ không khả thi nếu thiếu con người 4.0.
HẢI MINH