Gian nan gìn giữ đàn cá bố mẹ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:00, 13/10/2019
Nhân viên Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc thường xuyên phải dầm mình dưới nước để theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn cá bố mẹ
Sau nhiều năm hoạt động ổn định tại phường Thạch Khôi (TP Hải Dương), năm 2015 để nhường đất cho việc thực hiện dự án xây dựng, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc phải di chuyển tới địa điểm mới làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng đàn cá bố mẹ. Nhưng với sự tận tâm của nhân viên trung tâm, đàn cá bố mẹ dần ổn định, tiếp tục sản sinh những con giống chất lượng phục vụ sản xuất.
Coi cá như con
Mặc dù chưa phải vụ sản xuất cá giống nhưng những ngày này công nhân của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc bận rộn hơn bao giờ hết. Cái nắng hanh hao đầu thu làm cho ai nấy đều thấm mệt với những giọt mồ hôi lăn dài trên má.
Họ vẫn nhẫn nại, kiểm tra tỉ mỉ từng ao nuôi vì đàn cá bố mẹ mới được chuyển về địa điểm mới nên chưa thể thích nghi ngay với điều kiện sống.
Anh Đỗ Tiến Hòa, cán bộ kỹ thuật phụ trách sản xuất vừa sốt sắng chỉ đạo anh em kéo lưới để phân loại cá, vừa nói với chúng tôi: “Chỉ trong thời gian ngắn mà đàn cá của trung tâm phải 2 lần di chuyển nên cá ít nhiều bị ảnh hưởng.
Vì thế, chúng tôi không được phép chủ quan, lơ là”. Do vị trí cũ nằm trong quy hoạch dự án xây dựng khu đô thị trong khi cơ sở mới chưa hoàn thành nên năm 2015, trung tâm phải thuê trang trại ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) để giữ cá.
Lúc này, ai cũng lo lắng cho đàn cá bố mẹ vì mọi hoạt động của trung tâm đều xáo trộn. Toàn bộ công nhân được huy động làm việc ngày đêm để kéo lưới, phân loại hơn 8.000 con cá bố mẹ mang tới trang trại thuê.
Mọi việc đều thực hiện gấp rút bởi nếu chậm trễ sẽ làm suy giảm thể trạng của cá. Tại nơi ở mới, nhân viên kỹ thuật phải theo dõi sát sao tình hình phát triển của từng con, từng giống để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp.
Khi đàn cá bố mẹ dần quen với môi trường thì đầu năm 2019, trung tâm lại tiếp tục phải di chuyển đàn cá về phường Tân Dân (TP Chí Linh) trong khi hạ tầng vẫn còn ngổn ngang.
Vì thế, mỗi công nhân đều phải tập trung cao độ để bảo vệ đàn cá, dần đưa sản xuất đi vào ổn định. Gần 30 năm gắn bó với việc chăm sóc đàn cá bố mẹ, anh Hòa đã dày dặn kinh nghiệm, song sau 2 lần di chuyển cũng làm cho anh toát mồ hôi vì chưa khi nào trung tâm có biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới đàn cá đến thế.
Với động vật trên cạn, chỉ cần quan sát biểu hiện là có thể bắt bệnh từng con rồi cách ly điều trị, còn cá sinh sống trong môi trường nước thì việc chăm sóc vất vả hơn nhiều.
Bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh, công nhân đều phải dầm mình dưới nước kéo cá vì đây là cách duy nhất để biết rõ tình hình sinh trưởng, phát triển của chúng, nhất là khi đàn cá phải di chuyển liên tục, khó tránh khỏi tác động từ bên ngoài.
Sau khi tất bật với việc di chuyển đàn cá bố mẹ về địa điểm mới, công nhân của trung tâm lại trở về với công việc chăm sóc cá thường ngày. Thế nhưng, công việc cũng không hề dễ dàng, mà đòi hỏi mỗi công nhân phải kiên nhẫn, chịu đựng được sương gió.
Đã quá quen thuộc với việc phải ở dưới nước hằng ngày, thậm chí hằng giờ nhưng anh Phạm Văn Tuấn, công nhân của trung tâm vẫn rùng mình khi nhớ lại những thời điểm thời tiết khắc nghiệt. Làm việc dưới nước khiến cái rét cắt da, cắt thịt càng thêm tê tái, những đợt nắng nóng gay gắt thì càng bỏng rát.
Nhưng không vì thế mà anh Tuấn nản lòng. Anh khẳng định: “Ở đây, ai cũng coi cá như con, chỉ cần cá có dấu hiệu bất thường là chúng tôi đứng ngồi không yên”.
Vào mùa cá sinh sản, trung tâm sáng đèn cả đêm. Mọi người vừa háo hức vừa lo lắng túc trực đàn cá đẻ. Có những người dù không phải ca trực nhưng vẫn ở lại thức canh cá đẻ.
Cá có 2 hình thức sinh sản là đẻ vuốt và đẻ tự nhiên. Nếu đẻ tự nhiên chỉ cần làm giá thể, còn với đẻ vuốt, công nhân phải như bà đỡ, căn giờ đẻ rồi bế, ẵm từng con cá để kích thích đẻ. Mặc dù tốn công, mất thời gian hơn nhưng đẻ vuốt mang lại hiệu quả cao nên mọi người thường chọn cách sinh sản này cho cá.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên việc chăm sóc, bảo vệ đàn cá bố mẹ cũng khó khăn hơn. Ngoài ra, chất lượng nước ngày càng kém cũng khiến đàn cá bị ảnh hưởng không ít. Đây là lo ngại, trăn trở của những người luôn dồn hết tâm huyết để duy trì đàn cá bố mẹ.
“Có nhiều vụ, cá đẻ ra chết hàng loạt làm chúng tôi không khỏi xót xa. Công sức bỏ ra là một chuyện song nó không đáng gì so với việc đàn cá cứ chết dần chết mòn và nguồn gen quý cũng vì thế mai một dần. Dù quy trình kỹ thuật có bài bản, đồng bộ đến đâu mà môi trường sống của cá bị tác động thì cũng khó có thể ổn định sản xuất”, anh Hòa thở dài.
Giữ vững thương hiệu
Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đang giữ nhiều nguồn gen quý của cá truyền thống và cá đặc sản
Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc là cái nôi của những giống cá truyền thống và đặc sản mang gen quý. Trong đó thương hiệu cá chép Phú Tảo được trung tâm gây dựng nổi tiếng gần xa.
Năm 2006, trung tâm tiếp nhận 1.000 con cá chép bố mẹ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bắc Ninh).
Đây đều là những dòng cá nhập ngoại cho năng suất, chất lượng vượt trội. Từ nền tảng này, trung tâm đã lai tạo ra giống cá chép bố mẹ hậu bị phù hợp với điều kiện sản xuất của các tỉnh, thành phố phía Bắc, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Dù vậy, để có đàn cá bố mẹ lớp kế cận với nhiều đặc tính ưu việt hơn các đàn trước, nhân viên kỹ thuật của trung tâm đã phải dày công tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện các phép lai phù hợp.
Tại trung tâm, mỗi con cá bố mẹ đều được gắn chíp điện tử để theo dõi tập tính sinh trưởng. Trung tâm sử dụng phép lai chéo để lấy gen trội của từng dòng, tạo ra con lai có đặc điểm nổi trội nhất. Những nỗ lực của trung tâm đã được đền đáp xứng đáng khi giống cá chép Phú Tảo được người dân tin tưởng đón nhận.
Nhớ lại quãng thời gian con cá chép chiếm ưu thế trong cơ cấu cá giống của nông dân miền Bắc, ông Nguyễn Văn Chiến, nhân viên sản xuất tại trung tâm cho biết: "Những năm 2012, 2013 là thời kỳ hoàng kim của con cá chép. Nông dân từ khắp nơi đổ về trung tâm để đặt mua cá giống, có những người xếp hàng từ hôm trước".
Tên gọi cá chép Phú Tảo không phải do trung tâm đặt mà là người dân truyền tai nhau về địa điểm đặt mua cá chép giống tốt, chất lượng. Lâu dần, cái tên này trở thành thương hiệu gắn với trung tâm.
Hiện nay, khi trung tâm không còn ở phường Thạch Khôi thì tên gọi này vẫn được người nuôi cá nhắc đến khi nói về giống cá chép mang nhiều ưu điểm mà trung tâm lai tạo.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm thả cá vụ xuân, trung tâm nhộn nhịp người ra, người vào giống như ngày hội.
Hiện tại, trung tâm có dịch vụ chở cá giống tới tận trang trại cho người dân nhưng nhiều người vẫn muốn tới tận nơi để trực tiếp quan sát và chọn cá.
Tại trung tâm, những người trước đây không quen biết bỗng trở thành thân quen. Họ cởi mở chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm nuôi cá, cách xử lý sự cố trong quá trình chăm sóc và cùng nhau bàn bạc về đầu ra sản phẩm.
Đến nay, dù có nhiều lựa chọn về các địa chỉ cung cấp cá giống với giá bán ưu đãi nhưng anh Đỗ Văn Chuẩn ở huyện Ninh Giang vẫn đặt niềm tin vào Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc.
Nhằm tiết kiệm chi phí, nhân viên trung tâm còn hướng dẫn anh mua cá bố mẹ hậu bị để gây giống. Anh cũng học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng chăm sóc cá hữu ích từ trung tâm. "Nuôi cá nhiều năm nhưng chưa khi nào tôi thất bại vì con giống.
Chính vì thế, khi trung tâm chuyển địa điểm xa hơn, tôi vẫn muốn gắn bó lâu dài", anh Chuẩn nói.
Bên cạnh giống cá chép là chủ công, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất của người dân, trung tâm đang duy trì đàn cá bố mẹ của các giống truyền thống là mè, trôi, trắm và giống đặc sản là lăng chấm, nheo Mỹ.
Ngoài ra, trung tâm đang thử nghiệm sản xuất các giống thủy sản mới là lươn, ngạnh, bỗng... Không chỉ chuyển giao công nghệ cho người dân, trung tâm còn tích cực tiếp nhận công nghệ mới từ các nước tiên tiến để không ngừng hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất.
Ông Võ Văn Bình, Giám đốc trung tâm chia sẻ việc duy trì đàn cá bố mẹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành thủy sản nước ngọt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Nhận thức được sứ mệnh này, trung tâm đã nghiên cứu xây dựng các quy trình công nghệ lưu giữ để bảo tồn, khai thác các nguồn gen quý, có giá trị kinh tế cao. Hiệu quả từ những trang trại nuôi cá chính là thành quả, là động lực để trung tâm tiếp tục phấn đấu dù việc duy trì đàn cá giống hiện nay rất gian nan, nhất là khi trung tâm vừa phải thực hiện 2 cuộc di chuyển lớn.
DŨNG CƯỜNG