Doanh nhân truyền cảm hứng...

Kinh tế - Ngày đăng : 16:28, 13/10/2019

Hiện nay, nhiều bạn trẻ đang hào hứng với khởi nghiệp. Vì thế rất cần những doanh nhân đi trước truyền cảm hứng, góp phần tạo ra thế hệ doanh nhân mới sống với mục tiêu “ích nước lợi nhà”.


Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao chứng nhận cho doanh nghiệp đạt danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” 

Để doanh nhân có thể truyền cảm hứng, họ phải nỗ lực vươn lên và cần sự đồng hành của Nhà nước, xã hội trong quá trình kinh doanh. Dưới đây là một số ý kiến của một số doanh nhân.

Bà Đỗ Thị Kim Liên (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn AquaOne):

Rất cần những lãnh đạo dám làm, dám chịu



Một quốc gia muốn phát triển, quốc gia đó phải thực sự chú trọng đến kinh tế tư nhân bởi đó là nòng cốt, mũi nhọn.

Riêng với Việt Nam, với lực lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân còn non trẻ, rất cần các cơ chế thông thoáng, uyển chuyển và tạo mọi điều kiện để DN Việt phát triển, tự tin vươn xa. Khối DN tư nhân mong muốn được đối xử bình đẳng với các thành phần khác trong các chính sách cũng như cần được trân trọng, khích lệ và nâng tầm.

Với các DN, yếu tố niềm tin phải được đặt lên hàng đầu. Đó là niềm tin của DN đối với Chính phủ và ngược lại, đây là động lực kết thành sức mạnh của đất nước.

Nếu ban hành chính sách hoặc những cam kết rồi lại thay đổi, sẽ mất niềm tin với DN, làm ảnh hưởng đến tinh thần doanh nhân. Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều lãnh đạo sợ trách nhiệm, không dám quyết định nên DN đang gặp nhiều trở ngại, không thể phát triển một cách bền vững.

DN cần những lãnh đạo có sức mạnh cá nhân, dám chịu trách nhiệm về những quyết sách của mình. Chứ cứ đùn đẩy "trái banh trách nhiệm" của một số lãnh đạo địa phương cũng như các cơ quan chức năng, DN sẽ mất thời gian, công sức và quan trọng nhất là động lực, tâm huyết của các doanh nhân.

Bà Thái Hương (Chủ tịch Hội đồng chiến lược TH True Milk):

Khuyến khích, cổ vũ tinh thần lập nghiệp



Để nuôi dưỡng khối kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, Chính phủ cần có một thể chế chính sách tốt, thu hút DN làm ăn kinh doanh, khích lệ DN tận dụng những thế mạnh của đất nước để phát triển kinh tế. Đặc biệt, cần cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm, lập nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nhân trên cả nước.

Dù Chính phủ rất quan tâm tạo điều kiện cho khối DN tư nhân hoạt động, nhưng các thể chế chính sách phải thiết thực và thông thoáng hơn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ những ngành đặc thù như nông nghiệp. 

Sau nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy chính sách dành cho lĩnh vực này còn chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích DN trong nước đầu tư. Thực tế này cho thấy mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư lớn, bài bản sẽ mang lại hiệu quả cao.

Tuy vậy, số DN nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi ngành này rất cần đội ngũ doanh nhân tư nhân trong nước khai phá. 

Do đó, Chính phủ cần có nhiều chính sách thiết thực hơn nhằm thúc đẩy tư nhân đầu tư vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về đất đai, làm thương hiệu, công cụ lao động, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực...

Bà Nguyễn Ngọc Hải Đường (CEO Chợ Tốt):

Phải trao quyền và tạo ra thay đổi

Với nữ doanh nhân, rào cản chính là áp lực tâm lý khi so sánh bản thân mình với hình mẫu một người phụ nữ truyền thống hay khi suy nghĩ phải ưu tiên sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, một người phụ nữ không cần phải hoàn hảo trong mọi chuyện. 

Có thể không cắm hoa đẹp hay nấu ăn ngon, nhưng phải hiểu rõ mình là ai, điểm mạnh của mình là gì, có thể chăm sóc gia đình theo cách riêng của mình mà không phải gò ép bất kỳ khuôn mẫu nào. Sự nghiệp và gia đình cũng không cần phải đem lên bàn cân để so sánh hay lựa chọn.

Không thể kỳ vọng mọi doanh nhân đều phải truyền cảm hứng được như Steve Job và cũng không phải doanh nhân nào cũng phải là người của công chúng. 

Lãnh đạo một DN thành công là luôn nỗ lực tạo điều kiện để trao quyền cho mỗi người đều có thể trở thành người lãnh đạo trong tương lai. 

Doanh nhân giỏi là tạo ra được những sự thay đổi trong công ty, từ những việc nhỏ nhất như giảm thiểu khối lượng công việc giấy tờ cho nhân viên, tổ chức những hoạt động vui chơi cho nhân viên, điều chỉnh quy cách vận hành giữa các ban, bộ phận để tạo nên sự thay đổi lớn cho sản phẩm nhằm phục vụ người dùng tốt hơn...

Ông Nguyễn Văn Khoa (Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT):

Đừng quay lưng với tri thức và công nghệ mới

Có thể nói, Việt Nam đang có những điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, trở thành một quốc gia số. 

Nghị quyết 52 đã đưa ra mục tiêu hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số chiếm trên 30% GDP, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%. Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra mục tiêu đầy tham vọng: Việt Nam sẽ lọt top 40 thế giới, top 4 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu.

Có thể nói, cuộc cách mạng 4.0 đang cho Việt Nam cơ hội thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Do đó mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ phải tăng cường đón đầu, học hỏi, ứng dụng công nghệ mới. 

Các tổ chức, DN cũng nên mạnh dạn dấn thân, nhanh chóng chuyển đổi số để thay đổi năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường bằng chuyển đổi số.