Giúp trẻ biết lên tiếng ở trường

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 19:11, 14/10/2019

Cha mẹ cần dạy trẻ biết lên tiếng từ sớm, luôn theo sát con vì kỹ năng này được xây dựng từ sự tự tin, hiểu biết và tin tưởng.

Biết lên tiếng là kỹ năng xã hội quan trọng không chỉ trong môi trường học đường mà còn giúp ích cho trẻ trong công việc. Dưới đây là cách cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ phát triển và sử dụng kỹ năng này tại trường học.

Bắt đầu sớm

Jenn Curtis, nhà tư vấn giáo dục, đồng tác giả cuốn sách về cách nuôi dạy con, khẳng định biết lên tiếng là kỹ năng cần thời gian dài để hình thành và phát triển. Nó không tự dưng mà có, và được tạo thành từ sự tự tin, hiểu biết, tin tưởng người đối diện. Những yếu tố này không thể đạt được trong ngày một ngày hai.

Có hai con gái, Jen đã dạy các con kỹ năng biết lên tiếng ngay khi chúng có thể giao tiếp. "Hai cô bé biết gọi đồ ăn khi chúng tôi ở nhà hàng và tả được đau ở đâu khi gặp bác sĩ", Jenn tự hào nói.

"Khi trẻ lên 10 tuổi, biết lên tiếng trở thành kỹ năng vô cùng cần thiết tại trường, nhất là khi nạn bắt nạt đang ngày một nghiêm trọng", giáo sư Charlene Andersson, người sáng lập Trung tâm Năng khiếu giúp trẻ phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, vận động và học tập, cho biết.

Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra ở trường, giáo viên muốn học sinh có thể giải thích và nói về nó hoặc lo lắng các em gặp phải trong các hoạt động tại lớp. 

Theo sát con

Khi trẻ vào trung học, phụ huynh có hai quan điểm. Một số nghĩ nhiệm vụ của mình đã hoàn tất và đây là khoảng thời gian để con tự lập, số khác lại muốn can thiệp và quyết định mọi thứ của con. Cả hai quan điểm này đều không hợp lý và mang đến nhiều hệ quả tiêu cực.

Tiến sĩ Avital Cohen, người chuyên đánh giá và lập kế hoạch điều trị tâm lý, nhận định vào những năm trung học, cha mẹ sẽ đóng vai trò là động lực, ủng hộ nếu như con không thành công trong việc biết lên tiếng. Khi đó, người lớn cần động viên, giúp trẻ nhận ra việc đã cố gắng lên tiếng để bảo vệ mình và những người xung quanh quan trọng hơn là chỉ nhìn vào kết quả. 

Nếu gặp khó khăn trong việc lên tiếng tại trường, phụ huynh khuyên con nên chia sẻ ý tưởng và quan điểm với bạn bè hoặc giáo viên bởi việc có sự ủng hộ từ những người trong trường giúp trẻ tự tin hơn rất nhiều. Nếu cách này không thành công, cha mẹ cần trở thành người cho con sự động viên.

Ảnh: Shutter Stock

Ảnh: Shutter Stock

Vai trò của giáo viên

Steve Sonntag, giáo viên trung học gần 50 năm trong nghề, chia sẻ ông luôn chủ động làm việc với học sinh, khuyến khích các em lên tiếng về vấn đề đang gặp phải. Nếu cảm thấy nằm ngoài khả năng của mình, ông sẽ liên lạc với phụ huynh để cùng giải quyết vấn đề của trẻ. 

Trẻ em những năm giữa trung học đã hình thành thế giới quan tương đối vững chắc, biết điều gì đúng và có thể đưa ra kết luận dựa vào phán đoán và suy luận của mình. Việc khuyến khích và tạo điền kiện cho trẻ lên tiếng cho thấy người lớn tôn trọng cách suy nghĩ và tư duy của trẻ. Một khi cảm thấy thoải mái với giáo viên, trẻ cảm thấy được tin tưởng và mạnh dạn thể hiện, sẵn sàng lên tiếng trong những lần tiếp theo.

Nếu con bạn không có một giáo viên thực sự quan tâm và cởi mở trong việc khuyến khích trẻ lên tiếng, coi rằng đó là hành động cãi lại người lớn thì cha mẹ cần cố gắng để lấp khoảng trống này, phát huy nhiều hơn vai trò của mình. Đặc biệt, khi trẻ bị bắt nạt dù với hình thức nào, cha mẹ cần tham gia.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa

Đi kèm với việc biết lên tiếng là xây dựng sự tự tin. Để giúp con có thêm tự tin và dũng cảm, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như hùng biện, các trò chơi đồng đội, tư duy, khám phá...

Việc được tiếp xúc với nhiều người, học cách đưa ra quan điểm thuyết phục người khác là một trong những yếu tố then chốt giúp con bạn trở nên bạo dạn và tự tin để lên tiếng về bất cứ vấn đề gì.

Theo VnExpress