Bảo đảm an ninh lương thực: Vấn đề cấp bách

Bình luận - Ngày đăng : 14:56, 15/10/2019

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), hiện có trên 820 triệu người trên toàn thế giới phải sống trong nghèo đói và bị suy dinh dưỡng mãn tính.

Nhưng ở chiều ngược lại, hơn 790 triệu người khác đang gặp các vấn đề về béo phì và thừa cân. Những nghịch lý này là một phần trong chiến dịch của FAO, nhằm kêu gọi các quốc gia cùng chung tay xóa bỏ nạn đói trên toàn thế giới, tiến tới phát triển bền vững, thông qua các hoạt động trong Ngày Lương thực thế giới 16.10.


Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Ganyiel, quận Panyijiar, Nam Sudan

An ninh lương thực đe dọa toàn cầu

Tại Đại hội lần thứ 20 của Tổ chức FAO, tháng 11.1979, phái đoàn Hungary đã đề xuất ý tưởng tổ chức Ngày Lương thực thế giới trên quy mô toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèo, đói cũng như sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm.

Từ đó hằng năm, cùng với buổi lễ toàn cầu tại trụ sở của FAO tại Rome, các sự kiện quảng bá như chạy marathon, các cuộc tuần hành, triển lãm, biểu diễn văn hóa, các cuộc thi và các buổi hòa nhạc… được tổ chức thường niên tại hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành một trong những ngày nổi tiếng nhất trong lịch sử của Liên hợp quốc.

Và kể từ năm 1981, mỗi năm FAO đều chọn một chủ đề chính cho Ngày Lương thực thế giới, nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động trên toàn thế giới về nạn đói, cũng như sự cần thiết phải đảm bảo an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng như một quyền cơ bản của con người.

Năm 2019, FAO cảnh báo an ninh lương thực đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, tình trạng mất an ninh lương thực đang tái diễn nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới, mà phần lớn trong số đó là chịu tác động từ các cuộc nội chiến và thảm họa thiên tai.

Báo cáo của FAO chỉ ra rằng, trong số 34 quốc gia hiện đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về lương thực thì có tới hơn một nửa, tức 18 nước có nguyên nhân chủ yếu là do xung đột, nội chiến.

Những cuộc xung đột kéo dài đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiếp tục là thủ phạm chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực.

Người dân sống ở miền Bắc Nigeria, Nam Sudan và Yemen rơi vào tình trạng đói kém triền miên, trong khi nạn đói ngày càng phổ biến tại Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Syria.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), châu lục này đã mất hơn 35 tỷ USD để nhập khẩu lương thực, thực phẩm và cảnh báo con số này có thể sẽ tăng lên đến 110 tỷ USD vào năm 2025.

Hạn hán, lũ lụt trên diện rộng cùng các hình thái thời tiết cực đoan đã và đang liên tiếp ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra ở phía Nam châu Phi đã khiến sản lượng lương thực ở khu vực này sụt giảm mạnh, kéo theo gia tăng số người cần được viện trợ lương thực và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là các nước Madagascar, Malawi và Mozambique.

Mất mùa liên tiếp cũng làm giảm lượng lương thực dự trữ tại một số vùng khác trong khu vực.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến an ninh lương thực bị ảnh hưởng, đó là mỗi năm có khoảng 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi, hoặc lãng phí - tương đương 1,3 tỷ tấn, trị giá gần 750 tỷ USD mỗi năm.

Phần lớn lương thực thất thoát trong quá trình sau sản xuất, thu hoạch vận chuyển và bảo quản, có liên hệ mật thiết đến cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế đang phát triển, trong khi lãng phí lương thực, thực phẩm xảy ra ở khâu tiếp thị và tiêu thụ ở các nền kinh tế phát triển hơn.

Nếu cắt giảm hoàn toàn việc thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm, thì số lương thực này đủ nuôi sống 2 tỷ người, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường trong quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm.

Theo báo cáo Tình hình cung cầu ngũ cốc của FAO, những năm gần đây, sản lượng ngũ cốc thô trên thế giới đang có xu hướng giảm.

Năm 2018, sản lượng ngũ cốc thô thế giới đạt 1,3 tỷ tấn, giảm 2,2% so với năm 2017, tồn kho ngũ cốc thô lần đầu tiên giảm trong 6 năm qua.

Việc nguồn cung không được đảm bảo sẽ tác động đến an ninh lương thực của 7,7 tỷ người trên thế giới. Gánh nặng này càng tăng nếu dân số thế giới tăng lên 9,6 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.

Tuy nhiên, nếu sản lượng lương thực toàn cầu không tăng tới mức này, một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ xảy ra, kèm theo đó là tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh, tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu chất càng tăng cao.

Liên hợp quốc cảnh báo, nếu nguồn cung lương thực không được đảm bảo, đến năm 2020, thế giới sẽ có thêm 60 triệu người nữa bị thiếu ăn cùng với gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng.

Đáng chú ý, gánh nặng về mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu dinh dưỡng như còi cọc, thiếu máu… đang là thách thức lớn đối với ít nhất 57 quốc gia trên thế giới, chiếm tới 11% GDP mỗi năm của châu Phi và châu Á.

Một nghịch lý là trong khi nhiều người tại các nước kém phát triển không được tiếp cận thường xuyên với nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, thế giới lại phải đối mặt với tình trạng gia tăng béo phì, thừa cân.

Theo WHO, an toàn thực phẩm, việc bày bán đồ ăn, đồ uống không lành mạnh là tác nhân dẫn tới tình trạng trên. Các vấn đề sức khỏe từ trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em béo phì đang đe dọa tương lai của các thế hệ và cũng là tương lai của thế giới...

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Xác định đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu quan trọng hàng đầu, với những chính sách hợp lý và nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đạt được thành tích nổi bật trong việc xóa đói giảm nghèo.

Không những đủ lương thực cho gần 95 triệu dân, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt ngưỡng 40 tỷ USD.

Phát triển nông nghiệp được xem là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ; trong đó, các doanh nghiệp đang là “trụ cột”, đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Nhờ sự phát triển ổn định của nông nghiệp đóng góp khoảng 17% GDP cho quốc gia, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giảm nghèo và đảm bảo sinh kế cho gần 65% dân số khu vực nông thôn.

Từ những thành tựu quan trọng trong nước, Việt Nam đã và đang sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước đang phát triển khác để thực hiện đảm bảo an ninh lương thực.

Thông qua các chương trình hợp tác song phương, hợp tác Nam-Nam do FAO và các đối tác quốc tế hỗ trợ, điều phối, nhiều chuyên gia Việt Nam đã đưa các giống mới và công nghệ phù hợp sang giúp thực hiện các Chương trình đảm bảo an ninh lương thực cho một số nước ở châu Phi, Mỹ La tinh và châu Á.

Các kinh nghiệm, sáng kiến của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp cũng được chia sẻ với cộng đồng quốc tế, làm bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trong hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam.

Theo TTXVN