Không ép buộc hộ kinh doanh ''khoác áo'' doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 14:26, 16/10/2019
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Sáng nay 16.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về nội dung các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để trình Quốc hội xem xét luật lần này, Chính phủ đã bổ sung một chương quy định về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận đây là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Quy định như vậy nhằm "bảo đảm sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh".
Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh được quy định phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự, theo đó hộ kinh doanh sẽ do cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Một số quy định hiện hành có tính chất hạn chế quy mô của hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng 10 lao động, không được mở văn phòng, chi nhánh… sẽ được đề nghị bãi bỏ.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...), nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tới gần 30% GDP của cả nước, do đó cần quy định rất rõ địa vị pháp lý cũng như các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, vừa đòi hỏi họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
Tuy vậy, một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng nếu nghị định của Chính phủ đã điều chỉnh đầy đủ rồi thì không nhất thiết phải đưa vào luật, còn nếu bổ sung quy định vào luật thì cần đánh giá kỹ tác động.
"Tại sao hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp? Ngoài vấn đề thuế phức tạp thì khả năng quản trị, quản lý tài chính, rồi thanh kiểm tra cũng khiến hộ kinh doanh không thích thành doanh nghiệp", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi và tự trả lời.
Ông Hạnh Phúc phân tích: "Hộ kinh doanh ít người, mô hình vừa phải và khai thác lợi thế gia đình để kinh doanh nhỏ lẻ. Giờ đưa vào luật thì phải thực hiện đầy đủ báo cáo, kê khai hàng tháng thì họ không mong muốn. Hàng triệu hộ tồn tại và phát triển thế nào thì phải đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo tôi không vội".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, đây là vấn đề lớn vì liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ.
"Quan điểm chung của Quốc hội là những nội dung nào đã rõ, đã chín, đánh giá tác động được thì bổ sung, nếu không thì chỉ sửa đổi những bất cập để tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Tuổi trẻ