Nước chứa styren độc hại thế nào?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:16, 16/10/2019

Ngoài gây ung thư, dùng nước sinh hoạt chứa styren còn ảnh hưởng đến hàng loạt cơ quan trong cơ thể như tổn thương gan, thận, sảy thai, điếc...
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn khi dùng nước chứa styren
Dầu thải bị đổ trộm tràn vào đường dẫn nước sạch sông Đà 


Styren nhiễm vào máu rất nhanh

Những ngày qua, sự việc hệ thống nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải đã khiến hàng triệu người dân thủ đô Hà Nội bức xúc.

Theo kết quả công bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường.

Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít.

Theo cơ quan Bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ (EPA), styren là hợp chất hữu cơ gốc benzen, chất lỏng này không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, dễ bay hơi, được dùng chủ yếu trong công nghiệp sản xuất nhựa, hộp xốp...

Hàm lượng styrene tối đa trong nước cho phép của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) là 1 mg/lít (Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia Mỹ NCBI còn đưa hướng dẫn với hàm lượng an toàn ở ngưỡng 0.02 mg/lít).

Hàm lượng dung nạp styren tối đa với con người theo EPA là 0.2 mg/kg cơ thể/ngày (hàm lượng an toàn theo NCBI là 0.007 mg/kg/ngày).

Benzene đã được chứng minh làm gây ưng thư ở người, có khả năng thay đổi ADN, nên cơ quan Nguyên cứu Ung thư quốc tế (IARC) xếp chất này vào nhóm 1. Một số hợp chất khác chẳng hạn như BENZO(A)PYREN được coi là có thể gây ung thư cho người trong nhóm 2A.

Khi tiếp xúc trong thời gian ngắn, styren gây dị ứng (mắt và hệ tiêu hóa). Phơi nhiễm styren thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương hệ thần kinh, bao gồm từ nhẹ như đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể đến nặng hơn như điếc, rối loạn các hoạt động thần kinh, thần kinh ngoại biên, ung thư máu (lymphoma), gây tổn thương các bộ phận tối quan trọng trong cơ thể như gan và thận.

Ngoài ra, đã có nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa việc phơi nhiễm styren và nguy cơ sảy thai, giảm khả năng có con ở phụ nữ mang thai.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Hoa Kỳ, ô nhiễm dầu nhớt là loại ô nhiễm phức tạp và rất nguy hiểm, có thể nhiễm thông qua hít thở và ăn uống.

Qua các con đường này, các chất ô nhiễm vào máu rất nhanh. Theo máu một số hợp chất trong dầu nhớt được phân bố khắp cơ thể và nhanh chóng phân hủy thành các hóa chất khác có độ độc cao hơn hoặc thấp hơn.

Bên cạnh đó, có một số chất khó phân hủy hơn có thể tích lũy trong các mô trong cơ thể. Việc đào thải các chất độc chủ yếu qua đường tiểu và thở.

Do đó, TS Vũ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng nước ô nhiễm để uống, không dùng để rửa rau, vo gạo hoặc những việc tiếp xúc trực tiếp với đồ ăn.

​Còn hàng trăm chất nguy hiểm  khác trong dầu

TS Vũ cho biết, khi nói về ô nhiễm dầu thải, thuật ngữ chuyên môn là Total Petroleum Hydrocarbons (TPH), có nghĩa là “tổng các chất Hydrocarbon có trong dầu”.

Dầu nhớt là hỗn hợp chất chứ không phải đơn chất, do đó nước bị nhiễm dầu thải tức là nhiễm hàng trăm chất khác nhau chứ không riêng styren, bao gồm các vòng thơm, các chất mạch thẳng ngắn hoặc dài... Các chất này có khả năng phân hủy sinh học thấp và độc tính cao.

Các chất nhẹ hơn nước thì nổi phía trên tạo thành lớp màng trên bề mặt, các chất nặng hơn nước chìm xuống dưới tích tụ trong trầm tích dưới đáy, có thể ảnh hưởng đến cá và sinh vật ăn đáy.

Vì vậy, việc tẩy rửa ô nhiễm dầu là một việc làm không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Ngoài ra, dầu đã qua sử dụng trong máy móc, xe cộ còn có thể chứa các kim loại nặng như kẽm, chì, thủy ngân, cadmium... và nhiều chất độc hại khác sản sinh trong quá trình đốt nóng.

Khi ăn uống phải nước nhiễm dầu thải, một số chất sẽ thấm qua khoang miệng, số khác được đưa vào hệ tiêu hóa. Ở đó chúng sẽ được hấp thụ vào cơ thể, và chuyển đến gan, số khác truyền vào máu.

Lưu ý, nhiễm độc xảy ra ở trẻ em nặng hơn ở người lớn vì đặc tính sinh học (ví dụ chì hấp thụ qua đường tiêu hóa ở trẻ em nhiều hơn gấp 5 lần so với người trưởng thành).

Trong đó, các hợp chất nhỏ như benzen, toluene và xylene, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như đau đầu, chóng mặt, nếu tiếp xúc lâu dài, sẽ gây tổn thương vĩnh viễn. Nếu phơi nhiễm đủ cao có thể dẫn đến chết người.

Hợp chất n-hexane có trong dầu nhớt ô nhiễm có thể gây rối loạn thần kinh gọi là "bệnh thần kinh ngoại biên" (peripheral neuropathy) đặc trưng bởi tê ở bàn chân và chân, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tê liệt.

Nuốt một số sản phẩm dầu mỏ như xăng và dầu hỏa gây kích ứng da, mắt, cổ họng và dạ dày, suy nhược hệ thống thần kinh trung ương, khó thở và viêm phổi. Một số các hợp chất cũng có thể ảnh hưởng đến máu, hệ thống miễn dịch, gan, lá lách, thận, thai nhi đang phát triển.

Với các kim loại nặng, khi vào cơ thể sẽ gây hỏng gan (kẽm, thủy ngân, asen), ảnh hưởng thận (kẽm, chì, thủy ngân), ảnh hưởng tim (thủy ngân, asen), hệ miễn dịch (kẽm, chì, thủy ngân), nhiễm trùng máu (benzene và tất cả các chất kim loại nặng); ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, giảm IQ, giảm khả năng định hướng, phối hợp tay-mắt, về lâu dài dẫn mất trí nhớ, có di truyền (chì, thủy ngân, asen), loãng xương (kẽm, chì, asen), khả năng sinh sản, sảy thai, sinh non, trẻ bị bệnh bẩm sinh, có di truyền (thủy ngân, asen)...

Trong dầu thải có rất nhiều chất, hiện nay không có xét nghiệm y tế nào cho thấy liệu bạn đã nhiễm tổng lượng dầu nhớt hay chưa. Tuy nhiên, có các phương pháp để xác định xem bạn có tiếp xúc với một số hợp chất, hoặc sản phẩm có trong dầu nhớt hay không. Ví dụ, n-hexane có thể được đo trong nước tiểu. Benzen có thể được đo trong không khí thở ra và một chất chuyển hóa của benzen, phenol, có thể được đo trong nước tiểu.

Theo Vietnamnet