Vận động tài trợ, thu góp không đúng, phụ huynh bức xúc

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:56, 17/10/2019

Mỗi dịp năm học mới, chuyện vận động tài trợ, thu góp luôn là "chủ đề nóng" được phụ huynh quan tâm.


Do nhiều phòng học và công trình khác xuống cấp không bảo đảm điều kiện dạy học nên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu (Nam Sách) vận động ủng hộ, nhưng việc làm này chưa đúng quy định

Đầu năm học này, phụ huynh bức xúc nhất là nhiều trường triển khai vận động tài trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chưa đúng quy định và thu quỹ trường, quỹ lớp cao.

Mượn danh Ban đại diện cha mẹ học sinh

Ngay sau buổi họp phụ huynh toàn trường vào giữa tháng 9.2019, nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu, xã Minh Tân (Nam Sách) bất bình về một số khoản thu, vận động quyên góp tài trợ ở đây và đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng.

Phụ huynh cho rằng nhiều khoản thu không đúng quy định, đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thông báo năm học này, mỗi em sẽ đóng quỹ CMHS 200.000 đồng và ủng hộ nhà trường 300.000 đồng/học sinh tiểu học, 200.000 đồng/học sinh THCS.

Làm việc với phóng viên Báo Hải Dương, thầy giáo Trần Quyết Thắng, quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu khẳng định có việc huy động đóng góp như trên. Lý do vận động ủng hộ là nhiều phòng học của điểm trường tiểu học đã xuống cấp trầm trọng đe dọa đến an toàn của học sinh.

Để khắc phục tình trạng này, trường cần kinh phí khoảng 185 triệu đồng, huy động từ 3 nguồn là phụ huynh học sinh (quyên góp ủng hộ 160 triệu đồng), cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường (góp 10 triệu đồng) và của trường 15 triệu đồng.

Việc huy động này nhà trường đã làm tờ trình xin ý kiến của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Nam Sách. Ban đại diện CMHS chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định, nhà trường giám sát đến khi công trình hoàn thành.

Tương tự như vậy, sau buổi họp, phụ huynh của Trường Mầm non B.H. ở TP Hải Dương cũng bức xúc và bàn tán việc Ban đại diện CMHS kêu gọi mỗi phụ huynh ủng hộ 600.000 đồng/trẻ giúp nhà trường chi trả cho việc tôn sân, làm cổng và sửa chữa một số hạng mục khác.

Khoản tài trợ này sẽ đóng làm 2 lần, mỗi học kỳ đóng 300.000 đồng. Chị N., một phụ huynh nói: "Chúng tôi bất bình nhất là hiện nay các việc này đã cơ bản làm xong.

Trước khi thực hiện, phụ huynh không được bàn bạc, góp ý mà xong rồi nhà trường và Ban đại diện CMHS mới thông báo. Chúng tôi cũng không rõ tiền ủng hộ chi tiêu cụ thể thế nào".

Ngoài việc quyên góp tài trợ, nhiều trường cùng với Ban đại diện CMHS còn triển khai một số khoản thu cao và chưa phù hợp như quỹ trường, quỹ lớp, quỹ CMHS.

Không ít đơn vị thu quỹ trường từ 200.000 - 300.000 đồng, quỹ lớp từ 200.000 - 500.000 đồng/học sinh. Điều đáng quan tâm ở đây là chỉ nêu mức thu chứ không có kế hoạch chi tiêu cho các công việc, hoạt động cụ thể của từng tháng, từng học kỳ.

Chưa đúng quy định

Theo Thông tư số 16/2018/ TT-BGDĐT ngày 3.8.2018 của Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, tối thiểu.

Công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Các trường phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ và được cấp trên phê duyệt trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Theo quy định trên, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu cũng như những trường nêu trên triển khai chưa đúng quy trình, quy định về việc tổ chức quyên góp tài trợ.

Nhiều trường còn chưa thực hiện đúng quy định khi giao việc quyên góp tài trợ cho Ban đại diện CMHS. Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ GDĐT về Ban hành điều lệ Ban đại diện CMHS nêu rõ ban này không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản gồm ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS như bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường, trông coi phương tiện giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sửa chữa, nâng cấp, xây các công trình của nhà trường...

Đồng chí Tiêu Anh Phương, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở GDĐT) khẳng định: "Kế hoạch vận động tài trợ của các cơ sở giáo dục phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

Khi thực hiện tiếp nhận tài trợ phải thành lập tổ tiếp nhận tài trợ gồm những thành viên chính là thủ trưởng, kế toán trưởng, Ban đại diện CMHS hoặc đại diện Đoàn Thanh niên của trường, đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục".

Hiện nay, nhiều trường không thành lập được tổ tiếp nhận tài trợ mà giao phó hết cho Ban đại diện CMHS. Tại các cuộc họp phụ huynh, phần lớn các trường, Ban đại diện CMHS đều không công khai kế hoạch vận động tài trợ và dự toán thu chi mà chỉ nói đang cần một khoản tiền để làm việc này, việc kia.

 TRUNG ANH