Kinh Môn đổi mới trong làm vụ đông

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:02, 18/10/2019

​Không chỉ mở rộng diện tích hành, tỏi trong vụ đông, mấy năm gần đây huyện Kinh Môn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu hành, tỏi Kinh Môn.


Nông dân xã Hiệp Hòa hối hả trồng hành, tỏi vụ đông

Hối hả vào vụ

Những ngày này, nông dân Kinh Môn đang hối hả làm vụ đông. Được coi là vụ mang lại thu nhập chính nên bà con tập trung lực lượng, phương tiện và thời gian để làm đất, trồng cây. So với những năm trước, năm nay lúa mùa chín nhanh, thu hoạch thuận lợi và thời tiết nắng nóng không quá gay gắt nên tiến độ làm vụ đông không còn cập rập. Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Biên ở xóm 3, thôn Xạ Sơn (xã Quang Trung) trồng hơn 1 mẫu hành, tỏi. Hành vẫn là cây trồng chính, còn tỏi được cắm xen kẽ để tận dụng đất, tăng thêm thu nhập. Bà Biên cho biết: ''Gia đình chủ động trồng thời điểm này để có hành, tỏi bán sớm. Những năm trước, hành tỏi sớm đắt hơn nên tôi hy vọng năm nay cũng sẽ bán được giá cao như mọi năm''.

Vụ đông năm trước, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất, chất lượng hành, tỏi không cao. Năm nay, người dân trồng vụ đông muộn hơn năm trước từ 4-6 ngày, trồng rải rác từ đầu tháng 10. Là người có kinh nghiệm trồng cây vụ đông lâu năm, ông Nguyễn Văn Hiếu ở xóm 8, thôn An Bộ (xã Hiệp Hòa) chia sẻ: ''Ngoài kinh nghiệm đúc rút qua các năm, nông dân phải nắm rõ dự báo thời tiết để điều chỉnh thời vụ cho hợp lý. Năm nay lại tiếp tục là một năm vụ đông ấm nên chúng tôi trồng muộn hơn mọi năm để hành, tỏi được hưởng cái rét đúng thời điểm thì mới xuống củ''.

Năm trước, nhiều gia đình đã bán ngay tại ruộng để thu hồi vốn khiến số lượng hành, tỏi để giống giảm mạnh so với năm trước đó. Vì thế, giá giống năm nay cao gấp đôi năm trước, từ 45.000-50.000 đồng/kg. Tính cả tiền thuê máy làm luống, phân bón, người dân phải chi phí từ 1,3-1,5 triệu đồng/sào.


Sau khi trồng, nông dân xã Quang Trung dùng rạ phủ lên trên để giữ ẩm cho cây hành

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Mặc dù địa hình bán sơn địa nhưng hệ số sử dụng đất nông nghiệp của huyện Kinh Môn khá cao, từ 2,9-3,1 lần/năm. Người dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu để tăng năng suất khiến đất đai ở một số khu vực cằn cỗi, về lâu dài sẽ khó có thể tiếp tục sử dụng hoặc cây trồng thường bị sâu bệnh, chất lượng không cao.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2017 UBND huyện đã thí điểm xây dựng mô hình trồng hành, tỏi theo phương pháp hữu cơ và trợ giá phân bón Nep26 cho một số diện tích trồng ngoài bãi trũng hay bị ngập úng với mức 1,4 triệu đồng/ha. Năm 2018, huyện tiếp tục hỗ trợ 10 triệu đồng đối với những nơi quy vùng từ 1 ha tỏi trở lên. Năm nay, huyện hỗ trợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những nơi được quy vùng tỏi từ 2 ha trở lên với mức tối đa trên 14,2 triệu đồng/ha. Huyện phối hợp với Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng (TP Hồ Chí Minh) trồng thí điểm mô hình hành, tỏi sạch trên quy mô 20 ha ở các xã Thăng Long, Lạc Long, Hiệp Hòa, Thái Sơn, An Sinh, Lê Ninh và Hiệp An. Theo đánh giá, mô hình này có thể phải nghiên cứu trong vài năm nhưng huyện vẫn cố gắng thực hiện để xác định chính xác tỷ lệ phân bón phù hợp đối với từng thời điểm, từng loại cây. Từ đó đưa ra quy trình chuẩn cho người dân, tránh nguy cơ đất đai cằn cỗi.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: ''Mặc dù là nơi có nhiều hành, tỏi nhưng nhiều chợ ở Kinh Môn vẫn bán hành, tỏi Trung Quốc. Loại này có ưu điểm là củ to, dễ bóc và để được lâu nên được các nhà hàng ăn uống ưa chuộng. Để thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng hành, tỏi''.

THANH HÀ