Vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân

Công nghiệp - Ngày đăng : 13:34, 19/10/2019

Kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước...


Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast ở Hải Phòng

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3.6.2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đây cũng là một trong những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ ngày 7 - 12.10 vừa qua tại Hà Nội, nhận được sự quan tâm của dư luận, sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ và nhân dân.

Kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Thanh Bài trong bài viết “Vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân”.

Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển khá nhanh và mạnh, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam.

Đây là khu vực kinh tế gồm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất, mà thuộc sở hữu tư nhân, tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể…

Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đang tạo ra 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP).

Thành quả đó là quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, là bước đi đúng đắn phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm "cởi trói" về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. 

Nhằm phát huy hơn nữa thành phần kinh tế tư nhân vào cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, tháng 6.2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết xác định “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Nghị quyết đã đề ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đến năm 2020 tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm.

Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cùng với đó là các giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trên.

Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã có nhiều chủ trương đổi mới, sáng tạo, cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng luôn đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trên thị trường và hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế là một bước tiến lớn về nhận thức, là bước đổi mới tư duy của Đảng về một thành phần kinh tế quan trọng ở hai góc độ, đó là: xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận, đánh giá về kinh tế tư nhân trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội các phần tử phản động, thù địch liên tục đăng tải các nội dung xuyên tạc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, với luận điệu: kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất trong khi Chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, nên không thể có sự tồn tại của thành phần kinh tế này.

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay là do kinh tế nhà nước ngày càng yếu kém, Đảng không giữ được vai trò trong khu vực kinh tế này nên đẩy mạnh kinh tế tư nhân mới làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân...

Luận điệu trên hòng gây nên sự hiểu nhầm về chủ trương phát triển một nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự thực là, ngay từ ngày mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương động viên toàn dân, các lực lượng, mọi thành phần tham gia xây dựng, phát triển kinh tế. Trong thư gửi các giới công thương gia Việt Nam ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng và mong muốn mọi người cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích nước lợi dân.

Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân.

Tuy nhiên, do phải dồn sức vào công cuộc giải phóng đất nước và do chưa nhận thức đầy đủ nên chúng ta theo mô hình kinh tế tập trung, kế hoạch hóa. Đến Đại hội VI (12.1986), Đảng Cộng sản Việt Nam  khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một trong những nhân tố góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Tiếp đó, Hội nghị 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15.7.1988) cũng như Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (3.1989) “Khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.

Phát triển quan điểm đó, Đại hội VII tiếp tục làm rõ hơn bằng việc khẳng định vị trí “kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của nhà nước”.

Đồng thời, địa vị kinh tế của mỗi người dân được xác định cụ thể “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”.

Và để thực hiện vai trò quản lý của nhà nước đối với kinh tế tư nhân, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII nhấn mạnh đến việc “bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Đại hội VIII (7/1996) tiếp tục khẳng định tính nhất quán lâu dài phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở mọi thành phần kinh tế đều được đối xử bình đẳng, nhà nước tạo mọi điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các doanh nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài. 

Đặc biệt là sau Đại hội X (năm 2006), kinh tế tư nhân được xác định chính thức là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước, góp phần bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tham gia giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá của doanh nghiệp tư nhân phát huy hiệu quả.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước. Vai trò của kinh tế tư nhân càng trở nên quan trọng hơn khi mà khoa học và công nghệ đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII nhấn mạnh việc “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Quan điểm của Đại hội được cụ thể hóa một cách sâu sắc và kịp thời bằng Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (6/2017). “Về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước nhà.

Những dẫn chứng trên cho thấy sự xác nhận thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước là cả quá trình nhận thức của Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và tình hình thực tế của đất nước, hoàn toàn đúng với chủ trương phát triển nên kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quan điểm phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng.

Thời gian vừa qua, kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh, hình thành được một số tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động có hiệu quả, đã cùng với các doanh nghiệp tư nhân khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch nền kinh tế quốc dân, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Đây chính là thành quả của sự đổi mới tư duy lãnh đạo kinh tế của Đảng, là sự nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo TTXVN