Nhà mẹ cuối đời
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:56, 20/10/2019
Sa ngồi ở ghế sau cùng mẹ. Sa giục mẹ thả lỏng tựa người vào ghế cho đỡ mỏi lưng vì đường đi cũng khá xa. Nhưng mẹ vẫn ngồi khom lưng, cái dáng ngồi vất vả, bồn chồn ấy bao năm vẫn không hề thay đổi. Đó là kiểu những người đàn bà ở quê ngồi đun bếp củi, ngồi làm cỏ ngoài ruộng, nhổ mạ ngoài đồng, ngồi chờ chồng bên hiên nhà đầy gió. Cả đời mẹ có bao giờ được ngồi ngả lưng đâu. Hết đau đáu vì con lại nhấp nhổm vì chồng. Ngoài trời mưa to quá, đường ngập lụt khắp nơi. Bảo để mấy hôm nữa tạnh mưa thì đi nhưng mẹ không chịu. Mẹ muốn chuyến đi này đến nơi càng nhanh càng tốt chắc để Sa khỏi phải day dứt nhiều thêm. Đã nhiều ngày nay người trong nhà vào ra cứ chạm mặt nhau. Chẳng biết phải nói với nhau câu gì để lòng không bật khóc. Thành ra ngày rất dài và ngột ngạt. Vì không thể chịu được hơn nên mặc cơn bão ập vào thành phố mẹ vẫn nằng nặc khăn gói đòi đi. Phạn bảo Sa: “Đằng nào mà chẳng đi. Bà đã quyết thì cứ thế mà làm. Để anh xin nghỉ việc một hôm chở mẹ đi. Đồ đạc có những gì em cứ chuẩn bị cho chu đáo”. Nước mắt Sa ứa ra, đồ đạc mẹ chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo, chiếc đài giảng pháp, tràng hạt bồ đề, một cuốn sách ghi các bài thuốc dân gian và di ảnh của người chồng quá cố. Gia tài của mẹ ngoài đất đai ở quê đã bán đưa hết cho vợ chồng Sa mua căn nhà này mười năm trước thì có lẽ chỉ còn đứa con gái này thôi. Vậy mà giờ Sa nỡ lòng nào đưa mẹ đến một nơi khác sống. Ở nơi ấy chẳng có ai thân thuộc. Chỉ có những người già và nỗi cô đơn trong căn phòng màu trắng. Nghĩ đến đó lòng Sa thắt lại. Nắm chặt bàn tay nhăn nheo của mẹ già, Sa khẽ bảo:
- Mẹ mệt thì chợp mắt đi. Ngủ một giấc là đến nơi mẹ ạ.
- Mẹ còn cả phần đời sau này để ngủ. Lo gì.
Bà muốn thức cùng con. Muốn trò chuyện với con đôi câu gì đó. Hoặc đơn giản chỉ là thức để nghe tiếng con mình đang thở. Bà sẽ ngắm kỹ đoạn đường này bởi biết đâu sẽ chẳng còn cơ hội nào quay lại. Tuổi già như lá vàng trên cây, chẳng cần bão gió cũng rụng lúc nào không biết. Giống như chồng bà cũng vậy, đêm còn thấy dậy pha trà mà sáng ra đã về nơi chín suối. Biết đâu lúc nhắm mắt xuôi tay bà lại không kịp nhìn thấy con cháu của mình. Đời dễ chừng thế lắm. Bà cố nén xúc động nhìn ra ngoài cửa kính. Con đường này Sa từng nhiều lần chở bà đi chợ vào những ngày nghỉ cuối tuần. Chợ thành phố cũng đông vui lắm, Sa hay hỏi mẹ có thích ăn món này món kia. Đôi khi chỉ là được con mua cho chiếc bánh tò he, quả thị thơm, túi bỏng ngô là thấy lòng vui như trẻ nhỏ. Thấy nỗi nhớ quê nhà cũng bớt phần da diết. Giờ thì xe đã rẽ vào đường lớn, mưa mỗi lúc to hơn. Bà không nhìn thấy gì ngoài màn mưa nhạt nhòa ngoài cửa kính, hệt như lòng bà vậy. Hình như con gái bà vừa mới thở dài. Không sao đâu rồi bà cũng sẽ quen với nơi ở mới. Mười năm trước trên đường khăn gói từ quê xuống phố ở với con bà cũng tự động viên mình như thế. Nhưng hoàn cảnh lúc ấy có hơi khác bây giờ. Nhà cửa bán hết rồi có muốn ở lại quê cũng không còn được nữa. Lúc ấy bà đi là để được ở gần con nên tâm lý còn có phần an ủi. Bởi người ta nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, bà chẳng có con trai cũng chẳng phải đông con nhiều cháu. Bà chỉ sinh được một đứa con gái, sau này bệnh tật ốm đau vẫn phải nhờ vào nó. Nên lúc Sa nói: “Hay là mẹ bán nhà về ở với chúng con. Tiền bán nhà con sẽ mua một căn hộ tốt”. Bà chỉ nghĩ nhà cửa rồi đằng nào cũng để lại cho Sa. Giờ cứ giữ khư khư để con cháu phải đi ở nhà thuê cũng tội. Thế là bà gật đầu đồng ý. Bà đâu có ngờ đến một ngày lại phải quyết định rời xa con cháu thế này. Bỗng nhiên bà muốn đường cứ dài ra mãi để không phải đến nơi đáng sợ ấy. Dù con rể nói: “Đến đó mẹ sẽ được chăm sóc tận tình. Có rất nhiều người già để cùng bầu bạn. Chúng con sẽ đến thăm mẹ thường xuyên”. Nhưng bà biết sẽ chẳng dễ dàng đâu. Vốn chẳng còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Đành vậy…
- Ở đó nếu buồn mẹ hãy gọi điện cho con bất cứ lúc nào.
- Ừm. Mẹ biết.
- Thời tiết về đêm chắc sẽ hơi lạnh. Con đã chuẩn bị chăn mỏng, mẹ nhớ mang ra đắp.
- Mẹ nhớ rồi.
- Thỉnh thoảng con sẽ đến đưa mẹ đi chùa. Gần đó cũng có chùa mẹ ạ.
Sa siết chặt tay mẹ, cảm giác sắp không thể kìm được nước mắt. Dù biết ở nơi đó mẹ sẽ được chăm sóc tốt. Sa bỏ ra hơn bảy triệu một tháng vốn để mua cho mẹ một dịch vụ chăm sóc tận tình. Nhưng bất cứ đứa con nào phải để bố mẹ vào viện dưỡng lão lúc tuổi già chắc đều day dứt như Sa. Nếu không đưa mẹ vào đây Sa cũng chẳng biết phải làm sao. Khi tháng sau bố mẹ chồng sẽ lên thành phố ở cùng Sa. Chồng Sa là con thứ, trước đây bố mẹ chồng ở với anh cả. Chồng Sa thương mẹ vợ nên mới đón bà lên phố ở cùng. Nhưng cuộc sống đúng là chẳng ai biết trước được điều gì. Đùng một cái tai họa ập đến, anh trai chồng bị tai nạn giao thông mất ba năm trước. Chị dâu mới đi thêm bước nữa thành ra giờ Sa phải gánh trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng. Nhà chung cư chật chội, hai bên thông gia ở với nhau đâu có tiện. Rồi sẽ có biết bao chuyện nảy sinh. Mẹ không muốn vì mình mà Sa phải khó xử. Mẹ cũng không còn nơi nào khác để đi. Biết vậy mấy năm trước mẹ đòi lên chùa quy y cửa phật Sa đã không ngăn lại. Giờ già rồi ngay cả vào chùa mẹ cũng không dám nữa. Mẹ rất sợ mình là gánh nặng…
Công việc của vợ chồng Sa mấy năm gần đây cũng tốt hơn. Nên số tiền bảy triệu một tháng chi cho viện dưỡng lão cũng không phải lăn tăn. Chồng Sa nói muốn trả lại số tiền mà mẹ từng bán cả gia sản đưa cho để mua nhà. Cũng đã nghĩ đến việc tìm mua một căn nhà ở quê để đưa mẹ về đó sống nốt quãng đời còn lại. Nhưng mẹ không đồng ý. “Cuộc đời mẹ còn sống được là bao. Vài trăm triệu mua nhà các con để còn làm nhiều việc khác. Hơn nữa nếu sống cùng một thành phố thì con sẽ đỡ phải lo lắng nhiều cho mẹ”. Cả đời mẹ có tính toán điều gì cũng chỉ hướng về Sa như thế.
*
Cuối cùng đoạn đường mười mấy cây số cũng đã đến nơi. Lúc xuống xe bà thấy hai chân mình nặng trịch, không thể nào bước nổi khi nhìn thấy cánh cổng của trung tâm dưỡng lão. Tự nhiên bà muốn quay đầu lại, đi về. Nhưng về đâu bây giờ? Bà không còn lựa chọn nào khác. Bà sẽ phải ở lại nơi đây một mình mà không có Sa. Ý nghĩ ấy khiến bà thấy sợ. Sau khi hoàn thành xong thủ tục bà được dẫn đến căn phòng số 6. Đó là một căn phòng khá rộng, có tám giường. Vài người già đang ngồi trong phòng chuyện trò rôm rả, mỗi người mỗi việc. Người khâu vá, người gọt hoa quả, người bận viết gì đó trong cuốn sổ, người ngồi trước chiếc quạt hong tóc vừa mới gội. Vừa thấy có người bước vào là tất các cụ bà đều dừng tay lại.
- Chúng ta lại có bạn mới rồi. Chào bà nhé.
Cô điều dưỡng đon đả giới thiệu:
- Đây là cụ Bân. Từ giờ cụ sẽ ở phòng này đấy ạ.
- Tốt quá rồi. Bà vào đây bầu bạn với chúng tôi.
Thấy mẹ đứng nép vào mình hệt như trẻ nhỏ, lòng Sa chợt nhói lên. Sa vuốt lại ga trải giường cho mẹ. Giường lạnh quá, mẹ phải nằm bao lâu mới có thể ấm lên? Sa sắp xếp ít đồ đạc mang theo, xin một phích nước sôi cho mẹ, nhìn quanh phòng xem còn thiếu gì không. Sa luẩn quẩn vì chẳng muốn phải bỏ mẹ lại nơi này một chút nào. Có lẽ vì không muốn cảnh chia ly kéo dài ra mãi nên chồng Sa giục về còn kịp qua trường đón con. Sa nắm tay cô điều dưỡng và từng người già trong phòng gửi gắm lại mẹ mình. Sa ôm lấy đôi vai gầy của mẹ dặn dò: “Mẹ ở đây sống vui sống khỏe. Con sẽ vào thăm mẹ thường xuyên” rồi vội vã bước đi như chạy trốn. Bà đứng bên bậu cửa nhìn theo bóng dáng đứa con gái của mình cho đến khi khuất hẳn. Bà quay ra nhìn quanh nơi những tháng ngày cuối đời mình sẽ sống, nước mắt rưng rưng. Thế rồi bà bỗng nhiên òa khóc, bao nhiêu cảm xúc dồn nén bấy lâu cuối cùng cũng có thể thoải mái bật ra ngoài. Cô điều dưỡng viên ôm lấy vai bà an ủi:
- Rồi bà sẽ quen thôi. Ở đây vui lắm bà ạ!
Mấy bà già xúm lại động viên:
- Bà cứ yên tâm ở lại đây với chúng tôi. Chẳng có thời gian để buồn đâu bà ạ. Tụi mình vui tuổi già với nhau để con cháu yên lòng.
Bà khẽ gật đầu, lau nước mắt. Bà ngồi ở cuối giường cho qua cơn xúc động rồi đứng dậy đi lại chỗ mấy bà bạn già đang dạy nhau móc len. Những cuộn len sắc màu hình như khiến lòng bà thấy vui hơn đôi chút…
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG