Nhà văn Võ Huy Tâm có vợ hiền
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:55, 20/10/2019
Những năm 70 của thế kỷ trước, sống trong bao cấp, đời sống của nhiều người rất khó khăn, trong đó không ngoại trừ các văn nghệ sĩ. Thời ấy, nhà văn Võ Huy Tâm đang công tác ở Báo Văn nghệ cũng khó khăn lắm. Ông túng đến mức nhận viết một cuốn tiểu thuyết cho Nhà xuất bản Văn học nhưng không có giấy mà viết, ông phải làm biên nhận vay giấy của nhà xuất bản để chép bản thảo. Nhà văn Tô Ngọc Hiến, người anh em kết nghĩa, gần gũi ông nhất kể rằng: Trong hành trang, hành lý của ông thừa thãi chi tiết và vốn sống, cái vốn lam lũ cực nhọc, suốt mấy chục năm nhà văn làm phu mỏ dưới chế độ thực dân Pháp, rồi làm cán bộ dân vận sau này. Nhờ thế mà nhà văn Võ Huy Tâm đã có những tập tiểu thuyết để đời như "Vùng mỏ", "Những người thợ mỏ" dày dặn hàng nghìn trang, rồi tiếp theo "Rượu chát", "Viên gạch chịu lửa", "Trăng bão"… Ngoài ra, Võ Huy Tâm còn làm cả thơ như các bài "Hòn mìn", "Đi lên đi", "Truyền thuyết về lão Trạng"…
Vợ con Võ Huy Tâm thời ấy không trông chờ nhiều ở đồng lương và tiền nhuận bút bèo bọt của ông. Cuộc sống gia đình trông cậy vào sự lo toan, tần tảo, thắt lưng buộc bụng, lam làm của vợ ông. Cụ Tú Xương ngày xưa viết: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng". Với vợ Võ Huy Tâm, theo cách nhái thơ cụ Tú của Tô Ngọc Hiến thì: "Quanh năm nuôi lợn để nuôi đủ một chồng với bốn con".
Một lần biết Tô Ngọc Hiến (gần nhà Võ Huy Tâm ở Cẩm Phả) có việc lên Hà Nội, bà Tâm nắm tay ông kéo vào nhà nói:
- Em vào Báo Văn nghệ gặp anh, chớ có hé ra cho anh biết chị vừa hỏng một lứa lợn vì dịch bệnh kẻo anh lại tích cóp gửi tiền về cho chị thì không còn đủ tiền bồi dưỡng thức đêm để viết, anh ốm mất.
Bà Tâm rất mực thương chồng, bởi thấy ông tằn tiện đến hết mức, lúc nào cũng lo bớt ăn, bớt mặc dành đồng lương và tiền nhuận bút gửi về cho vợ con. Có lần bà đề nghị với Ngô Ngọc Bội, lúc đó là Phó Tổ trưởng Tổ Văn xuôi, đồng thời là Bí thư chi bộ, phải "kiêm" quản lý ngân sách chi tiêu của Võ Huy Tâm để ông không phải sống tằn tiện, kham khổ...
LÊ HỒNG BẢO UYÊN